Với những lợi thế riêng cùng cơ chế, chính sách phù hợp, thông thoáng thành phố khá thành công trong thu hút đầu tư công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch thành phố Yên Bái đã tập trung lãnh đạo phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, khuyến khích hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trong đó, thành phố đã phát huy tốt Cụm công nghiệp Đầm Hồng với 22 doanh nghiệp và hộ cá thể, thu hút và tạo việc làm cho 500 lao động. Cụm công nghiệp Âu Lâu đã san tạo trên 108.000 m2, trong đó, có 92.908 m2 xây dựng nhà máy, có 3 doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy và đi vào sản xuất mang lại hiệu quả cao. Toàn thành phố có 870 doanh nghiệp và hợp tác xã, với gần 9.000 hộ sản xuất, kinh doanh.
Các doanh nghiệp, doanh nhân và hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển mạnh mẽ vươn lên trở thành trụ cột của nền kinh tế, giải quyết việc làm và thực hiện an sinh xã hội.
Năm 2018 là năm có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, song các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã phát huy nội lực, nỗ lực liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, chủ động tháo gỡ khó khăn…
Nhờ vậy, sản xuất, kinh doanh vẫn đạt hiệu quả cao. Các doanh nghiệp đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động. Có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tốt, tạo việc làm thu nhập cao cho người lao động như: Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái; Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Yên Bái; Công ty cổ phần Tư vấn giám sát, kiểm định xây dựng; Công ty TNHH Xây dựng Phúc Thành; Công ty cổ phần Hồng Nam...
Các doanh nghiệp đã nộp ngân sách nhà nước trên 180 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho trên 18.000 lao động và 13.606 lao động phi nông nghiệp lao động ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Các doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh còn phối hợp với chính quyền và nhân dân thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa và hỗ trợ 2.000 suất quà trị giá hàng tỷ đồng.
Những kết quả đó, khẳng định năng lực nội tại cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong phát triển các thành phần kinh tế mà trọng tâm là phát triển doanh nghiệp. Cùng với đó, thành phố còn có những cơ chế khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX và các cơ sở sản xuất, kinh doanh hộ gia đình đầu tư phát triển sản xuất.
Chú trọng thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, có giá trị gia tăng cao, nộp ngân sách nhiều và thân thiện môi trường.
Bên cạnh những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, thành phố Yên Bái cũng có những cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng. Hiện, thành phố đang thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và dịch vụ; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị thành phố giai đoạn 2016 - 2020, định hướng 2025; Đề án phát triển thương mại, dịch vụ thành phố giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến 2030…
Song hành cùng các cơ chế, chính sách thông thoáng, thuận lợi, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng cho nhu cầu phát triển, nhất là mạng lưới giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, bến bãi và các khu cụm công nghiệp.
Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu phát triển công nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ; nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp… Thành phố cam kết luôn đồng hành và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững.
Thanh Phúc