Những ngày này, bà con thôn Thẳm Có, xã Suối Quyền đang tích cực hỗ trợ gia đình ông Đặng Kim Ngân san gạt mặt bằng và chuẩn bị các vật dụng để chuyển về nơi ở mới.
Ông Đặng Kim Ngân vui mừng cho biết: "Năm 2018, nhiều hộ dân ở đây bị mưa lũ gây thiệt hại nặng nề, nhà tôi cũng bị ảnh hưởng, mất hết đất sản xuất. Đến giờ, được bà con nhân dân chính quyền xã giúp đỡ chuyển về nơi ở mới, tôi thấy vui mừng và phấn khởi lắm!”.
Trong trận lũ lịch sử tháng 7/2018, xã Suối Quyền có 9 nhà bị sập hoàn toàn, 1 nhà hư hỏng nặng và 16 nhà ở vùng nguy hiểm cần di dời. Tuy gặp nhiều khó khăn về mặt bằng, không có quỹ đất bố trí tập trung nhưng Đảng ủy xã đã chủ trương vận động nhân dân hiến đất, đổi đất, bố trí xen ghép tại các khu dân cư.
Đến nay, 25/25 hộ bị ảnh hưởng đã dựng nhà xong và ổn định đời sống, trong đó các hộ bị sập nhà hoàn toàn được hỗ trợ 25 triệu đồng và các hộ phải di dời khẩn cấp được hỗ trợ 15 triệu đồng.
Ông Trịnh Xuân Thành – Bí thư Đảng ủy xã Suối Quyền cho biết: "Để chủ động phòng chống thiên tai, địa phương đã rà soát các hộ có nhà trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Qua đó, quyết định di dời 9 nhà ở thôn Thẳm Có, 5 nhà thôn Suối Bắc, 1 nhà thôn Vàng Ngần. Trên cơ sở đó, xã đã báo cáo UBND huyện Văn Chấn và các ngành chức năng vận động nhân dân nhường đất, đổi đất để có quỹ đất cho các hộ làm nhà. Đến nay, đã có 5 hộ được di dời và làm nhà tại nơi ở mới”.
Do ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là trận mưa lũ từ ngày 9 – 14/10/2017 và hoàn lưu bão số 3 năm 2018, huyện bị thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa, sản xuất nông nghiệp và tài sản của nhân dân.
Ông Mai Mộng Tuân - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: "Từ thực tế đó, việc ổn định dân cư sau mưa lũ đã được cấp ủy, chính quyền huyện xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần tập trung giải quyết ngay để người dân sớm ổn định đời sống”.
Theo đó, huyện đã tập trung rà soát và triển khai đồng bộ các giải pháp để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị thiệt hại và các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ.
Qua rà soát, tổng số hộ cần di dời trong 2 năm (2017 – 2018) là 649 hộ, trong đó tái định cư tập trung 390 hộ, xen ghép 259 hộ. Trên cơ sở rà soát số hộ nằm trong khu vực nguy hiểm cần phải di dời, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát quỹ đất và các hộ nằm trong diện phải di dời; đồng thời, xây dựng phương án tái định cư và bố trí quỹ đất…
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, đổi đất để tạo mặt bằng cho các nhà nằm trong diện phải di dời. Với cách làm linh động từ bố trí tái định cư tập trung đến tái định cư xen ghép nên đến hết năm 2018, huyện đã bố trí đất ở cho 649 hộ.
Mặc dù vậy, do những khó khăn về kinh phí nên đến nay, huyện mới hỗ trợ cho 325 hộ làm nhà với mức hỗ trợ từ 15 – 25 triệu đồng/hộ, từ nguồn ngân sách của tỉnh và ủng hộ của các nhà hảo tâm; trong đó, tái định cư tập trung 118 nhà, xen ghép 207 nhà.
Như vậy, đến thời điểm này, toàn huyện vẫn còn 324 nhà, trong đó có đến 272 nhà thuộc diện tái định cư tập trung chưa được di dời về nơi ở mới mặc dù đã có quỹ đất. Nguyên nhân là do khó khăn về kinh phí san tạo mặt bằng cũng như xây dựng hệ thống đường, điện, nước.
Mùa mưa bão về mang theo bao nỗi lo từ những trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đối với các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm. Do vậy, các cấp, ngành cần nhanh chóng xem xét, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng tại các khu tái định cư; đồng thời, có phương án hỗ trợ các nhà nằm trong diện phải di dời.
Hà Hùng