Theo kết quả này, Yên Bái xếp thứ 6/14 tỉnh, thành trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc, đứng sau các tỉnh: Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Giang. Môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có những cải thiện đáng kể so với những năm trước. Nhiều tiêu chí được cải thiện đáng kể nhận được sự phản hồi tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Theo phân tích trong 10 chỉ số thành phần cấu thành nên PCI thì Yên Bái có 7 chỉ số tăng điểm gồm: chỉ số tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý.
Trong đó, có 2 chỉ số được đánh giá khá cao là chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự có số điểm cao nhất là 6,91 điểm, xếp vị trí thứ 6/63 tỉnh thành trên cả nước và chỉ số đào tạo lao động với 6,60 điểm xếp thứ 18/63 tỉnh, thành.
Tuy nhiên, theo bảng điểm và vị trí các chỉ số thành phần PCI năm 2018, Yên Bái cũng còn 3 chỉ số giảm điểm so với năm 2017 gồm: gia nhập thị trường, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp giảm điểm nhiều nhất (giảm 0,88 điểm).
Qua khảo sát cho thấy, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa được doanh nghiệp tìm đến và chưa được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Nhu cầu tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ tại tỉnh của doanh nghiệp giảm, doanh nghiệp ít tin tưởng vào chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp được cung cấp bởi khu vực tư nhân trên địa bàn.
Mặt khác, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cung cấp dịch vụ trên còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên tổng số doanh nghiệp trong năm 2018 là 0,36%, tỷ lệ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư nhân và FDI trên tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ là 25%. Hai chỉ số gia nhập thị trường và chi phí thời gian đều giảm 0,09 điểm, trong đó, chỉ số chi phí thời gian xếp hàng rất thấp (57/63 tỉnh, thành).
Qua khảo sát vẫn còn 13% doanh nghiệp phải chờ hơn 1 tháng và 6% doanh nghiệp phải chờ hơn 3 tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động. Doanh nghiệp đánh giá phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định của pháp luật cũng như các thủ tục giấy tờ liên quan đến doanh nghiệp.
Qua phân tích trên cho thấy, mặc dù xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã tăng; tuy nhiên, Yên Bái vẫn nằm trong nhóm có năng lực điều hành trung bình chưa có sự đột phá về thứ hạng. Qua bảng điểm và vị trí các chỉ số thành phần PCI của tỉnh Yên Bái năm 2018 cho thấy Yên Bái vẫn còn 6 chỉ số thành phần có mức điểm thấp hơn mức trung bình của cả nước.
Năm 2019, tỉnh Yên Bái phấn đấu Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI tăng từ 4 đến 6 bậc, đứng từ vị trí 36 đến 38 của cả nước vào nhóm tỉnh có chất lượng điều hành khá và nằm ở tốp đầu của các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
Để đạt được mục tiêu này, đồng chí Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung quyết liệt khắc phục những chỉ số thành phần còn hạn chế, yếu kém, nhất là các chỉ số bị tụt hạng thấp; thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đấu thầu, bảo đảm thực chất, công khai, minh bạch; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 15/3/2019 của HĐND tỉnh.
Nâng cao chất lượng xây dựng và quản lý quy hoạch, công bố công khai quy hoạch; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường và các thủ tục hành chính liên quan, tạo thuận lợi, sự bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp.
Thường xuyên cập nhật, công khai các văn bản của pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nhà đầu tư; đồng thời, đổi mới và đa dạng hóa các hình thức đối thoại, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, tích cực tháo gỡ các trở ngại đối với các doanh nghiệp theo hướng tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật.
Văn Thông