Để chủ động ứng phó với thiên tai, hàng năm xã đều xây dựng kế hoạch chi tiết; đồng thời, củng cố kiện toàn lại Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) của xã để chủ động phòng chống, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ông Sùng A Dinh - Chủ tịch UBND xã Khao Mang cho biết: với địa hình trên 90% là đất đá, thổ nhưỡng không ổn định, dân cư sống rải rác trên các sườn đồi núi, dọc chân các khe suối cộng với giao thông khó khăn nên khi xảy ra các hiện tượng thiên tai mưa lũ rất khó khăn cho việc tiếp cận ứng cứu. Lũ quét, sạt lở đất là những thiên tai thường xảy ra khi có mưa to.
Xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra bão lũ, sạt lở, gió lốc, gió xoáy, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN xã đã xây dựng phương án cụ thể chỉ đạo các thôn, bản xây dựng phương án phòng chống phù hợp với tình hình thực tế của từng thôn, bản nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra”.
Bản Háng Bla Ha A là bản có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, cả bản có hơn 60 hộ, chủ yếu là đồng bào Mông. Việc phân bố dân cư không tập trung cộng với tập quán canh tác nên nhiều hộ dựng lán ngay khu vực ruộng nương sát ven bờ suối; bởi vậy, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác ứng cứu mỗi khi xảy ra lũ ống.
Ông Lý A Lù - Trưởng bản Háng Bla Ha A cho biết: "Trước khi bước vào mùa mưa, chúng tôi đã lên kế hoạch kiểm tra các hộ dân sống ven suối, khu vực ta - luy, những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống để báo cáo với UBND xã có phương án di dời các hộ dân về nơi an toàn; tập trung khơi thông dòng chảy; phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự xã, Công an xã, Trạm Y tế xã cùng các hội, đoàn thể trong bản phối hợp công tác cứu nạn, cứu hộ và khi xảy ra tình huống sẽ chủ động huy động lực lượng tại chỗ, các phương tiện vận tải của nhân dân để sơ tán tài sản, người ra khỏi khu vực xảy ra lũ ống. Đồng thời, có phương án tốt nhất bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, các công trình công cộng, hoa màu của nhân dân”.
Với mục tiêu giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, ngoài việc thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN xã còn huy động thêm các phương tiện như: xe ô tô, xe máy, nhà bạt các loại, máy phát điện, máy bơm, tăng âm, loa phóng thanh, loa tay, cuốc, xẻng, xà beng, máy xúc, máy ủi sẵn sàng lực lượng, phương tiện khi có lệnh tham gia khắc phục hậu quả, TKCN, giải phóng giao thông những đoạn đường bị sạt lở ở địa bàn xã.
Khi xảy ra mưa lớn, sẽ kịp thời sơ tán người ra khỏi vùng nguy hiểm, chủ động bảo vệ sản xuất, giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm ven suối, nơi có nguy cơ sạt lở đất do mưa lũ; đảm bảo thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy PCTT; thực hiện các hoạt động TKCN, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và các nhu yếu phẩm khác tại các khu vực chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán; đảm bảo an ninh trật tự xã hội, bảo vệ tài sản Nhà nước và nhân dân tại khu vực xảy ra thiên tai.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN xã cũng thường xuyên tuyên truyền, thông báo, dự báo và theo dõi về tình hình thời tiết, khí tượng - thủy văn để nhân dân chủ động, có biện pháp phòng chống, sơ tán kịp thời; theo dõi lượng mưa trên địa bàn để báo cáo, tổng hợp, đề phòng tình hình lũ ở các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt phòng lũ quét, lũ ống và sạt lở ta - luy xảy ra; tổ chức hiệp đồng lực lượng với các đơn vị trên địa bàn để chủ động ứng phó khi có tình huống mưa lũ xảy ra; vận động nhân dân trong mùa mưa lũ mỗi gia đình phải có kế hoạch dự trữ lương thực và các nhu yếu phẩm khác đảm bảo cho sinh hoạt khi có tình huống bất trắc…
Thanh Tân