Sức sống “11” từ Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/7/2019 | 8:20:27 AM

YênBái - “11” - đó là Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ban hành ngày 2/8/2018 về một số nội dung chủ yếu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái đến năm 2020. Sau hơn hai năm triển khai và thực hiện, Nghị quyết 11 đã và đang đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ, tạo nên bước đột phá trong sản xuất nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Trấn Yên hiện đã hình thành và phát triển vùng cây ăn quả có múi hàng trăm ha.
Trấn Yên hiện đã hình thành và phát triển vùng cây ăn quả có múi hàng trăm ha.

Nghị quyết đặt mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững, phát huy tối đa lợi thế gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực theo vùng tập trung đi đôi với sản xuất các sản phẩm bản địa, hữu cơ…; nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm nông nghiệp trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ và sản xuất theo chuỗi giá trị; cải thiện nhanh mức sống của cư dân nông thôn, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững….

Đến năm 2020, tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 5%/năm, giá trị sản xuất đạt 7.660 tỷ đồng (nông nghiệp đạt 5.135 tỷ đồng, lâm nghiệp đạt 2.145 tỷ đồng, thủy sản đạt 380 tỷ đồng), giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 85 triệu đồng/ha/năm, nuôi trồng thủy sản đạt 160 triệu/ha/năm, đất rừng trồng 50 triệu đồng/ha/năm… 

Nghị quyết cũng chỉ rõ các sản phẩm chủ lực, diện tích, quy mô, cơ cấu… và chỉ ra các giải pháp rất cụ thể.

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả tới các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ các đề án phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, sản xuất hữu cơ và thực hiện các nhóm giải pháp đề ra của Nghị quyết; tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các lĩnh vực, các ngành trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Hàng loạt các đề án, dự án đã được triển khai sâu rộng. Người dân tin tưởng, phấn khởi, hăng hái áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Nhờ vậy, năm 2018, tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản (GRDP) là 4,2%, đạt 3.912.584 triệu đồng (giá so sánh 2010), đứng thứ 7 trong 14 tỉnh miền núi phía Bắc. 

Cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2018 đạt 21,9% trong cơ cấu tổng sản phẩm của tỉnh. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 6.876 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt 59 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng so với năm 2017; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản ước đạt 129 triệu đồng, tăng 9 triệu đồng so với năm 2017. 

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 2.035 tỷ đồng/4.098 tỷ đồng kế hoạch, đạt 49,7% kế hoạch năm. 

Cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 21,3%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3.578 tỷ đồng, đạt 49,7% kế hoạch năm, tăng 6,09% so với cùng kỳ năm 2018. Các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản trong giai đoạn đều đã và đang được triển khai xây dựng và phát triển rất tốt. 

Có thể kể đến các đề án như: hỗ trợ thụ tinh trâu, bò cái sinh sản được 10.850 liều, đạt 72% kế hoạch; hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò quy mô 10 con được 373 cơ sở, đạt trên 93%; phát triển nuôi trồng thủy sản hỗ trợ 674 lồng nuôi cá, 36 cơ sở nuôi cá eo ngách, cải tạo 19 ha ruộng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản…; phát triển cây ăn quả trồng mới được 1.815,2 ha, đạt 64,8% kế hoạch; hỗ trợ phát triển chè vùng cao trồng mới được 391,1 ha; phát triển cây quế đã trồng mới được 9.364 ha...

Thông qua triển khai tái cơ cấu ngành cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp, cụ thể, bài bản với các đề án thành phần rất cụ thể hiệu quả, nhiều chương trình, đề án đã và đang phát huy rất tốt hiệu quả cả về kinh tế lẫn xã hội, đã trở thành một nghề và ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. 

Đề án chăn nuôi thủy sản là một minh chứng, đã động viên, khuyến khích, khơi dậy tinh thần làm giàu và tạo sự chuyển dịch mạnh cả trong tư duy lẫn hành động của người dân vùng ven hồ Thác Bà để chuyển từ đánh bắt tự nhiên sang nuôi trồng và phát triển bền vững thủy sản. 

Năm 2018, sản lượng đánh bắt và khai thác đạt 10.000 tấn cá, tôm các loại, giá trị đạt trên 600 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng khai thác, đánh bắt được đạt 5.367 tấn, tăng 27,02% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, sản lượng nuôi trồng đã đạt 4.828,99 tấn (chiếm 89,97%), tăng 30,55%, tương đương 1.129 tấn so với cùng kỳ năm trước. Hộ gia đình anh Lê Văn Thư ở thôn Làng Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình có lẽ là một minh chứng rõ nhất cho tính hiệu quả của Đề án chăn nuôi thủy sản.

Cũng như bao hộ dân khác trong thôn Làng Mạ đã gắn bó với nghề chài lưới trên vùng hồ Thác Bà, gia đình anh Thư lam lũ sớm tối nhưng do đánh bắt, khai thác tự nhiên, nguồn lợi ngày một cạn kiệt nên cuộc sống chẳng khấm khá, đói nghèo vẫn hoàn đói nghèo. 

Năm 2016, được sự hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật của huyện, gia đình anh đã đóng được hơn chục lồng nuôi cá trên hồ. Năm 2018, anh đăng ký tham gia dự án đóng mới 26 lồng nuôi cá, được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng. Gia đình đã tập trung vào nuôi cá ngạnh, cá diêu hồng, cá rô phi và cá lăng, năm đầu bán thu trên 400 triệu đồng. 

Không dừng lại ở đó, anh Thư đứng ra vận động một số bà con trong thôn cùng đầu tư và thành lập Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Vĩnh Kiên. Hiện, Hợp tác xã có 12 thành viên, đang đầu tư phát triển 46 lồng nuôi cá. 

Cá lồng của Hợp tác xã đang sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến cho thu 160 tấn các loại, sau trừ chi phí lãi cả tỷ đồng. Rõ ràng, tiềm năng rất lớn, tiềm lực, nội lực trong dân rất nhiều, chỉ có điều là chúng ta có biết khai thác, vận dụng, hướng dẫn, định hướng để phát triển hay không. 

Ông Nguyễn Thế Phước - Bí thư Huyện ủy Trấn Yên phấn khởi cho biết: "Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-HĐND tỉnh đã có tác động mạnh mẽ đến "tam nông” ở Trấn Yên. Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc, từ sản xuất theo truyền thống cũ, nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp sang sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung với các loại sản phẩm hàng hóa chủ lực, khối lượng lớn...”. 

Rõ ràng, sản xuất nông, lâm nghiệp ở Trấn Yên đã có sự chuyển đổi căn bản về quy mô, chất lượng, sản xuất hàng hóa liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị và hiệu quả. Trấn Yên không làm theo phong trào mà làm theo quy hoạch, làm đến đâu chắc đến đó và hình thành vùng sản xuất như: vùng trồng tre măng Bát độ 3 nghìn ha, vùng trồng dâu nuôi tằm 400 ha, vùng quế trên 15 nghìn ha, vùng cây ăn quả trên 600 ha và vùng chăn nuôi hàng hóa rõ nét với 500 mô hình. 

Không chỉ vậy, các hình thức tổ chức sản xuất từng bước được củng cố và phát triển; các doanh nghiệp, hợp tác xã đã liên kết, liên doanh đầu tư và cung cấp các dịch vụ, chuyển giao khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp ngày một mạnh mẽ. 

Có thể khẳng định, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Nghị quyết số 11/NQ-HĐND đã tác động mạnh mẽ và tạo bước đột phá trong sản xuất nông, lâm nghiệp Yên Bái. Từ một địa phương hàng năm phải lo cả ngàn tấn lương thực thì nay không chỉ cân đối an ninh lương thực trên địa bàn mà còn quy hoạch, hình thành và sản xuất hàng hóa cung ứng nhu cầu của thị trường từ lúa, chè, hoa quả, vùng cây lâm nghiệp...; tạo được các sản phẩm đặc sản có chỗ đứng trên thị trường với khối lượng lớn như: gạo nếp Tú Lệ 450 tấn/năm, bưởi Đại Minh 8.000 tấn/năm, cam sành Lục Yên 4.000 tấn/năm, quả sơn tra đạt 4.800 tấn/năm, chè Shan hữu cơ 1.200 tấn/năm, quế an toàn theo hướng hữu cơ 40.000 ha... 

Phát huy kết quả đã đạt được, các ngành, các cấp, mỗi người dân Yên Bái hãy tiếp tục thực hiện có chất lượng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững. 

Đồng thời, đẩy mạnh công tác triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất và tiếp tục nghiên cứu, tham mưu điều chỉnh, bổ sung một số chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản an toàn theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, đăng ký nhãn mác hàng hóa nông, lâm nghiệp của tỉnh, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như: quế, chè, sơn tra, măng tre Bát độ, cây ăn quả có múi, cá…;  thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; tổ chức triển khai các dự án sản xuất theo chuỗi có sự tham gia của các doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị thu nhập trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản...
Thanh Phúc

Tags Yên Bái đề án 11 chính sách hỗ trợ sản xuất sản phẩm nông lâm nghiệp thủy sản an toàn theo chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ xúc tiến thương mại xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm đăng ký nhãn mác hàng hóa doanh nghiệp giá trị thu nhập

Các tin khác
Hội viên Hội Phụ nữ xã Vũ Linh, huyện Yên Bình vay vốn đầu tư chăn nuôi bò

Đến nay, tổng dư nợ của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Yên Bình đạt 465.128 triệu đồng, tăng 38.587 triệu đồng so với năm 2018.

Bà Đỗ Nguyệt Ánh được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc EVNNPC.

Ông Thiều Kim Quỳnh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) sẽ thôi giữ vị trí Tổng giám đốc.

Trồng cây dược liệu trên đất dốc ở tỉnh Lào Cai.

Các tỉnh khu vực Tây Bắc gồm: Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển nhiều loại cây dược liệu giá trị cao như: Đương quy, tam thất, đẳng sâm, ba kích, hoàng liên, sâm vũ diệp… Tuy nhiên thời gian qua, việc khai thác, phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Do vậy, để phát huy thế mạnh, cần có cơ chế, chính sách khai thác, phát triển phù hợp, nhất là việc thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào chế biến sâu dược liệu.

Cán bộ tín dụng Phòng giao dịch Ngân hàng  Chính sách xã hội huyện Lục Yên giao dịch với khách hàng ở xã Khánh Thiện

Đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Yên có 14 chương trình cho vay phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng dư nợ đến 30/6/2019 là 483.754 triệu đồng với trên 13.234 khách hàng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục