Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, theo số liệu cập nhật đến thời điểm hiện tại, tổng lượng nước đang tích trong các hồ thủy điện chỉ còn 6,22 tỷ m3. Lượng nước thiếu hụt so với mức nước dâng bình thường là 29,37 tỷ m3, tương ứng sản lượng điện 12,49 tỷ kWh.
So với cùng kỳ năm 2018, tổng thể tích nước trong tất cả các hồ thủy điện thấp hơn 7,46 tỷ m3, tương ứng với sản lượng phát từ thủy điện thấp hơn cùng kỳ năm 2018 lên tới 3,38 tỷ kWh.
Tại miền Bắc, ngoại trừ hồ Bản Chát, Tuyên Quang có lưu lượng nước về đạt giá trị trung bình nhiều năm (TBNN), thì các hồ khác đều có nước lưu lượng nước về thấp. Đặc biệt lưu lượng nước về trên dòng sông Đà tiếp tục thấp. Tính tới thời điểm hiện tại, lưu lượng nước về trung bình ngày của hồ Sơn La chỉ đạt xấp xỉ 2.100 m3/s, thấp hơn nhiều so với giá trị TBNN ( xấp xỉ 3.800 m3/s).
EVN cho biết, mặc dù theo quy luật hàng năm, thời điểm này là giữa mùa lũ chính vụ nhưng hiện tại nhiều hồ thủy điện đã về gần đến mực nước chết, khả năng khai thác cả về phát điện và xả nước phục vụ dân sinh đều rất hạn chế, cụ thể như các hồ Trung Sơn; Sông Bung 2; Sông Bung 4; Sông Tranh 2; Vĩnh Sơn B; Sông Ba Hạ; Kanak; Buôn Tua Srah; Đồng Nai 3; Thác Mơ; Hàm Thuận; Đại Ninh; Bắc Hà; Sông Côn 2A; Bản vẽ; Chi Khê; Hủa Na; Cửa Đạt; Hương Sơn; A Lưới; Hương Điền; Đồng Nai 2.
Hiện nay, nhiều hồ thủy điện của các đơn vị thuộc EVN trên khắp toàn quốc có mực nước thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, cụ thể, hồ Lai Châu: thấp hơn 15,92m; hồ Bản Chát: thấp hơn 13,29m; hồ Sơn La: thấp hơn 18,89m; hồ Hoà Bình: thấp hơn 10,5m; hồ Bản Vẽ: thấp hơn 7,41m; hồ Trung Sơn: thấp hơn 2,11m; hồ Quảng Trị: thấp hơn 9,32m; hồ Sông Bung 2: thấp hơn 2,94m; hồ Vĩnh Sơn A: thấp hơn 2,11m; Vĩnh Sơn B: thấp hơn 4,34m; hồ Pleikrông: thấp hơn 5,42m; hồ Ialy: thấp hơn 9,32m; hồ Sê San 4: thấp hơn 3,46m; hồ Kanak: thấp hơn 6,87m; hồ Buôn Tua Srah: thấp hơn 4,29m; hồ Sông Tranh 2: thấp hơn 9,32m; hồ Thác Mơ: thấp hơn 5,81m; hồ Hàm Thuận: thấp hơn 7,24m ...
Các hồ thủy điện của các đơn vị ngoài EVN cũng trong tình trạng tương tự, ví dụ như hồ Hủa Na: thấp hơn 3,21m; hồ Cửa Đạt: thấp hơn 3,95m; hồ Nậm Chiến 1: thấp hơn 6,7m; hồ Hương Sơn: thấp hơn 5,46m; hồ Sông Tranh 3: thấp hơn 103,57m; hồ Đăk Mi 3: thấp hơn 3m; hồ Đăk Mi 4A: thấp hơn 2m; hồ Đam Bri: thấp hơn 5,28m.
Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, thời gian tới, nắng nóng có thể còn tiếp tục xảy ra tại khu vực Trung Bộ, vùng núi phía Tây Trung Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt, lượng dòng chảy trên các sông tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, nhất là tại các tỉnh Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện về việc tập trung ứng phó với nắng nóng kéo dài, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ.
Trong tình trạng hạn hán, hết sức khó khăn về nguồn nước, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu cấp bách nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị và người dân để thay đổi, nhận thức, chủ động sử dụng tiết kiệm điện, nước, ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước có thể thường xuyên xảy ra.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định sẽ nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ trong việc chủ động bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; tăng cường sử dụng các nguồn điện, ưu tiên dành nước của các hồ chứa thủy điện phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; bảo đảm cung cấp điện cho các trạm bơm phục vụ phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền ý thức sử dụng tiết kiệm điện, đặc biệt là trong các tháng mùa khô.
(Theo chinhphu.vn)