Bộ GTVT vừa tổ chức hội nghị bàn về đề án kết nối mạng giao thông khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc. Thông tin đáng chú ý nhất của hội nghị này là việc xác định những công trình, dự án giao thông quan trọng của khu vực miền núi phía Bắc để ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.
Ba kịch bản, bốn nguyên tắc
Theo ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (đơn vị chủ trì xây dựng đề án), có 4 nguyên tắc lựa chọn dự án để đưa vào danh sách sắp xếp ưu tiên đầu tư gồm: Ưu tiên phương thức, ưu tiên theo hướng và khu vực, ưu tiên theo phạm vi kết nối của nhóm dự án và ưu tiên theo nguồn vốn dự kiến.
Cụ thể, theo ông Mười, các dự án đường bộ được ưu tiên trước bởi đây là phương thức chủ đạo, phục vụ đa số nhu cầu, nhất là các tuyến đường bộ cao tốc đến trung tâm tỉnh, cửa khẩu lớn chưa có đường song hành. Sau đó, đến các dự án đường sắt, đường thủy nội địa và hàng không. Về nguyên tắc ưu tiên theo hướng và khu vực sẽ ưu tiên các dự án hướng tâm từ trung tâm các tỉnh về Thủ đô Hà Nội (hướng lưu thông chính) rồi đến các tuyến vành đai kết nối liên tỉnh trong vùng…
Trên cơ sở đó, cơ quan chủ trì xây dựng đề án đã đề xuất phương án đầu tư giao thông cho khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2021 - 2025 theo 3 kịch bản từ thấp đến cao. Cụ thể, kịch bản 1 (thấp) sẽ đầu tư 4 dự án cao tốc, 32 dự án quốc lộ, 2 dự án đường sắt, 2 dự án hàng không, 3 dự án đường thủy, 4 dự án hàng hải, cảng cạn, tổng mức đầu tư khoảng 67.810 tỷ đồng gồm: 57.201 tỷ đồng vốn Trung ương thực hiện và 10.600 tỷ đồng vốn của địa phương.
Kịch bản 2 (trung bình) đầu tư 7 dự án cao tốc, 37 dự án quốc lộ, 2 dự án đường sắt, 2 dự án hàng không, 3 dự án đường thủy và 5 dự án hàng hải, cảng cạn với tổng mức đầu tư khoảng 97.064 tỷ đồng gồm: 54.770 tỷ đồng vốn Trung ương và 42.294 tỷ đồng vốn của địa phương. Cuối cùng, kịch bản 3 (cao) đầu tư 8 dự án cao tốc, 41 tuyến quốc lộ, 2 dự án đường sắt, 3 dự án hàng không, 3 dự án đường thủy, 6 dự án hàng hải, cảng cạn, tổng mức đầu tư khoảng 111.642 tỷ đồng gồm: Vốn Trung ương 69.348 tỷ đồng và vốn địa phương 42.294 tỷ đồng.
Theo danh mục các dự án được ưu tiên đầu tư kết nối mạng giao thông các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2021 - 2025 được cơ quan chủ trì đề án xây dựng, lĩnh vực đường bộ chiếm số lượng áp đảo với 8 dự án cao tốc, 44 dự án quốc lộ, tổng mức đầu tư khoảng 95.454 tỷ đồng. Cụ thể, 8 dự án đường cao tốc gồm: Cao tốc nối Nội Bài - Lào Cai về Hà Giang, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cao tốc nối Tuyên Quang với Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, cao tốc Đoan Hùng - Chợ Bến, đường Vành đai 5 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và đường Vành đai 5 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. 44 dự án quốc lộ gồm: Dự án cải tạo nâng cấp QL279 đoạn Việt Vinh - Nghĩa Đô (Hà Giang), cải tạo nâng cấp QL279 đoạn Phố Ràng - Khau Co (Lào Cai), cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn Gia Phù - Cò Nòi (Sơn La), dự án đường nối QL4C - 4D (nối Hà Giang - Lào Cai)…
Đối với lĩnh vực đường sắt có hai dự án được đề xuất ưu tiên (TMĐT: 1.266 tỷ đồng) là dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên (TMĐT: 330 tỷ đồng) và dự án cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng (TMĐT: 936 tỷ đồng).
Lĩnh vực hàng không có 3 dự án được đề xuất đầu tư (TMĐT: 11.022 tỷ đồng) là dự án nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên Phủ, dự án xây dựng giai đoạn 1 Cảng hàng không Sa Pa (Lào Cai) và dự án đầu tư khôi phục Cảng hàng không Nà Sản (Sơn La). Còn lại, đường thủy và hàng hải, mỗi lĩnh vực đều có 3 dự án được đề xuất ưu tiên xây dựng gồm: Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống Hà Nội), xây dựng cảng Lục Cầu (Lào Cai), nâng cấp cảng Phố Mới (Lào Cai)...
Địa phương kiến nghị làm trước nhiều công trình cấp bách
Ông Đinh Quang Tuyến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho rằng, trong đề án, Bộ GTVT cần ưu tiên đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc Kạn - Chợ Mới bởi hiện nay, địa phương chưa có tuyến đường cao tốc nào chạy qua. "Nếu được đầu tư một tuyến đường cao tốc nối Bắc Kạn với Hà Nội, trong khoảng 10 năm nữa, khả năng Bắc Kạn không cần ngân sách Trung ương cấp vốn chi thường xuyên. Hiện nay, chúng tôi rất bí bách, các nhà đầu tư lên Bắc Kạn tìm hiểu xong chẳng bao giờ quay lại vì họ không thể đầu tư trong điều kiện chưa có đường cao tốc đi qua tỉnh”, ông Tuyến nói và đề nghị Bộ GTVT ưu tiên đầu tư trước tuyến đường cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn trong giai đoạn 2021 - 2025.
Trong khi đó, ông Lê Thành Đô, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên chia sẻ, địa phương là một trong những tỉnh khó khăn nhất về hạ tầng giao thông trong khu vực miền núi phía Bắc. "Trong giai đoạn 2021 - 2025, chúng tôi đề nghị Bộ GTVT ưu tiên triển khai đầu tư dự án nâng cấp QL279 đoạn qua Điện Biên, bởi dự án này đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2022 nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên đến nay vẫn chưa được triển khai. Đồng thời, dự án kết nối QL12 với tuyến QL4H, chúng tôi cũng đề xuất cần sớm triển khai ngay”, ông Đô nói.
Được biết đến là địa phương đi đầu cả nước về thu hút nguồn lực phát triển hệ thống giao thông, ông Bùi Văn Khắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư và bỏ ngân sách của địa phương để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội tỉnh.
"Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ để Quảng Ninh làm hầm qua Vịnh Cửa Lục bằng ngân sách của địa phương. Các doanh nghiệp hiện nay cũng đang nghiên cứu để đầu tư cảng du thuyền Hòn Gai, cảng du thuyền Vân Đồn, cảng Hải Hà…”, ông Khắng nói và đề nghị Bộ GTVT quan tâm đầu tư các dự án giao thông kết nối Quảng Ninh với các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc.
"Trước hết, chúng tôi đề nghị Bộ GTVT ưu tiên đầu tư tuyến QL4B kết nối Quảng Ninh với Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang. Thứ hai là tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân. Dự án đã đầu tư 4.000 - 5.000 tỷ đồng, hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương cũng đã tiến hành GPMB, hiện công trình vẫn dang dở, chúng tôi đề nghị Bộ GTVT ưu tiên đầu tư sớm. Cuối cùng, là dự án kết nối QL279 với Quảng Ninh cũng cần triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025”, ông Khắng đề xuất.
(The baogiaothong.vn)