Ngày 26/9, Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, trong đó các Bộ, ngành đưa ra nhiều đề xuất tháo gỡ vướng mắc để khắc phục tình trạng giải ngân vốn chậm như hiện nay.
Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố Báo cáo về tình hình phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công 9 tháng đầu năm 2019, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2019.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt hơn 192.000 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và ODA đều đạt thấp.
|
Cụ thể, tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2019 được Quốc hội quyết định là 429.300 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, số vốn được giao kế hoạch đạt trên 391.000 tỷ đồng, bằng 92,16% dự toán.
Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch khoảng 33.683,878 tỷ đồng, gồm vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách trung ương và vốn nước ngoài (ODA).
Lý giải nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: "Các nguyên nhân là rất phong phú, đa dạng, không có nguyên nhân duy nhất cho vấn đề chậm giải ngân, có nguyên nhân gián tiếp, nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân của các nguyên nhân..."
Về nguyên nhân khách quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ: Do một số vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công. Những vướng mắc này đã được nhận diện trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư công, nhưng do Luật mới chưa có hiệu lực nên những vướng mắc vẫn còn tồn tại, như: công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập, chưa kỹ, chưa tốt dẫn đến dự án và kế hoạch phải điều chỉnh nhiều lần.
Bên cạnh đó, thủ tục điều chỉnh chưa được đơn giản hóa, phải được xét duyệt qua nhiều cấp, thủ tục này phải chờ thủ tục kia, mất nhiều thời gian, chưa chủ động, linh hoạt... Việc thực hiện các quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường... còn nhiều lúng túng, mất nhiều thời gian trong công tác giải phóng mặt bằng, còn một số vướng mắc về khiếu kiện đất đai; thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu kéo dài; việc thực hiện phân cấp chưa triệt để...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn nêu một số nguyên nhân chủ quan như: Công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân, tiên lượng khả năng hoàn thiện thủ tục đầu tư chưa chính xác, kịp thời nên không giao được kế hoạch...
"Đây là trách nhiệm của cả cơ quan tổng hợp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và của các bộ, ngành, địa phương, rà soát không kỹ, nể nang giữ nguyên đề xuất của bộ, ngành, địa phương mà không tham mưu, kiến nghị điều chỉnh phù hợp", lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận trách nhiệm.
Ngoài ra, công tác giao kế hoạch chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án, bao gồm cả giao kế hoạch từ trung ương cho các bộ, ngành, địa phương và giao kế hoạch vốn của các bộ, ngành, địa phương cho các dự án cụ thể, dẫn tới các chủ đầu tư khó chủ động trong triển khai, thực hiện dự án; chưa quyết liệt trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, đề xuất phương án phân bổ chưa bám sát nguyên tắc, thứ tự ưu tiên; Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chờ đợi các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện mới tổng hợp, trình giao kế hoạch...
Về nguyên nhân giải ngân chậm nguồn vốn ODA, theo nhìn nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có nhiều đặc thù. Nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay mặc dù dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng không thể giải ngân; công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn tồn tại bất cập, dẫn tới tính sẵn sàng của dự án thấp; một số dự án không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài. Dự án sử dụng vốn hỗn hợp gặp vướng mắc về thủ tục cho vay lại, chậm ký hợp đồng cho vay lại; nhiều dự án gặp vướng mắc về thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn...
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tiếp tục tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Trong đó, Bộ trình Chính phủ xem xét, cho phép không áp dụng quy định dự án phải có quyết định đầu tư trước 31/10 năm trước, bao gồm cả nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và không áp dụng quy định tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ.
Ngoài ra, các nhóm giải pháp về chỉ đạo, điều hành, phối hợp, tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiểm toán và chế tài cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
(Theo VOV)