Yên Bái đã phát động các phong trào thi đua, huy động, tập hợp các tổ chức, cá nhân tham gia vào quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng. Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị từng loại rừng, nâng cao giá trị trên mỗi héc-ta rừng sản xuất.
Bằng những việc làm cụ thể, diện tích rừng, nhất là rừng sản xuất tăng nhanh và bình quân mỗi năm người dân, các tổ chức chính trị - xã hội, các công ty lâm nghiệp trồng mới trên 15.000 ha rừng các loại. Trong một thời gian dài tình trạng chặt phá, khai thác rừng tràn lan, bừa bãi dẫn đến rừng nghèo kiệt thì nay công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều tiến bộ, nâng độ che phủ rừng đạt 63%.
Toàn tỉnh đã tổ chức ký hợp đồng khoán bảo vệ trên 215.562 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng tự nhiên sản xuất. Công tác quản lý bảo vệ rừng khá hiệu quả, nhất là sau hơn hai năm Yên Bái thực hiện Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 số vụ vi phạm lâm luật ngày một giảm.
Chỉ tính từ 2016 - 2018, lực lượng kiểm lâm đã kiểm tra, kiểm soát và xử lý 670 vụ vi phạm lâm luật, trong đó, có 310 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, 125 vụ cất giữ, chế biến lâm sản trái phép… Diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng và rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt ngày một giàu, đa dạng sinh học.
Song song với bảo vệ, Yên Bái đã hình thành, phát triển vùng sản xuất lâm nghiệp hàng hóa tập trung mang lại giá trị kinh tế cao như vùng tre măng Bát độ gần 4.000 ha, vùng quế trên 66.000 ha, vùng cây nguyên liệu gỗ, nguyên liệu giấy trên 200.000 ha, vùng cây sơn tra 5.000 ha. Sản xuất lâm nghiệp giờ đã thực sự trở thành nghề chính và làm giàu từ rừng.
Đến hết năm 2019, diện tích rừng trồng của tỉnh là trên 215.000 ha, trong đó, diện tích rừng trồng sản xuất là 156.953 ha, chiếm 73% diện tích rừng trồng toàn tỉnh, sản lượng gỗ bình quân hàng năm đạt trên 460.000 m khối.
Trước đây, diện tích rừng trồng sử dụng các loại giống không có nguồn gốc, dẫn đến sâu bệnh, năng suất thấp thì nay 100% diện tích được trồng bài bản, giống đảm bảo kỹ thuật; do vậy, năng suất, chất lượng rừng được nâng lên.
Đặc biệt, vài năm gần đây, để nâng cao năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng, người dân đã chuyển khá nhiều diện tích sang kinh doanh rừng gỗ lớn. Trồng, phát triển rừng gỗ lớn mang lại lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với sản xuất gỗ nhỏ.
Việc áp dụng mô hình rừng trồng gỗ lớn có ưu điểm vượt trội so với kinh doanh rừng gỗ nhỏ, chu kỳ kinh doanh từ 10 - 12 năm, tổng doanh thu bình quân đạt từ 210 - 250 triệu đồng/ha, thâm canh tốt còn đạt tới 500 triệu/ha.
Ngoài lợi ích kinh tế cho các chủ rừng thì việc kinh doanh rừng gỗ lớn còn chủ động nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ cho công nghiệp chế biến. Lâm nghiệp phát triển mạnh, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo, làm giàu.
Cụ thể, nếu như năm 2015, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp mới đạt 1.400 tỷ đồng thì kết thúc năm 2018 là trên 1.500 tỷ đồng, chiếm trên 21% cơ cấu nội ngành nông nghiệp. Yên Bái cũng là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ nguồn thu này, mỗi năm người trồng, bảo vệ rừng được nhận trên dưới 100 tỷ đồng.
Phát huy kết quả đạt được, từ nay đến hết năm 2020, Yên Bái tiếp tục phấn đấu và bảo vệ hiệu quả trên 433.641 ha hiện có; bảo vệ tốt 75 loài động vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam; mỗi năm trồng mới trên 16.000 ha rừng trở lên; tỷ lệ che phủ rừng ổn định là 63%; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 1.700 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt trên 7%...
Để sử dụng và phát triển rừng bền vững, Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm là: nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng theo hướng thâm canh gỗ lớn; nâng cao giá trị, sản phẩm gỗ qua chế biến sâu; tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng liên doanh, liên kết gắn với chế biến; ứng dụng khoa học - công nghệ cao vào quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Thanh Phúc