Nghị quyết 61 - “cú huých” trong sản xuất nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/11/2019 | 8:34:13 AM

YênBái - Nghị quyết 61-NQ/TU ngày 24/7/2014 của Tỉnh ủy Yên Bái khóa XVII về phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2014-2020 đã thực sự lan tỏa và là một “cú huých” cho sản xuất nông nghiệp phát triển.

Yên Bái đã xây dựng và phát triển vùng chè sạch, chè an toàn đáp ứng cho nhu cầu thị trường.
Yên Bái đã xây dựng và phát triển vùng chè sạch, chè an toàn đáp ứng cho nhu cầu thị trường.

Từ sản xuất dựa vào kinh nghiệm, nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất chuyên canh hàng hóa theo chuỗi giá trị, lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo trên mỗi héc-ta sản xuất.

Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa

Từ một địa phương hàng năm thiếu hàng chục ngàn tấn lương thực, nông dân sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, nay Yên Bái không còn lo cái ăn nữa mà hướng mạnh đến sản xuất hàng hóa và thị trường. 

Không hô hào chung chung, không để nghị quyết nằm trên bàn giấy mà tỉnh đã triển khai xuống cơ sở, tới mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, được cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương. 

Song song với đó, tỉnh triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kèm theo là 8 đề án thành phần và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; quy hoạch chỉ đạo hình thành xây dựng vùng lúa, vùng ngô, vùng chè, vùng quế, vùng trồng dâu, vùng tre măng Bát độ… 

Cái được rõ nhất là phương thức tổ chức sản xuất của người dân thay đổi tích cực, từ tự cung, tự cấp, phục vụ đời sống thiết yếu gia đình là chủ yếu, nay đã chuyển dần sang sản xuất tập trung, phục vụ nhu cầu của thị trường. Từ quy mô sản xuất nhỏ bé, chủ yếu dựa vào nguồn lực sẵn có của tự nhiên đã từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tạo ra năng suất và sản lượng cao hơn. 

Tỉnh đã hình thành rõ nét một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với việc thu hút, liên kết với các doanh nghiệp có tiềm lực để tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, như vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao gần 3.000 ha, vùng ngô 15.000 ha, vùng trồng dâu nuôi tằm tập trung trên 450 ha với sản lượng kén tằm trên 400 tấn/năm, vùng cây ăn quả trên 8.000 ha, vùng chè 8.000 ha (trong đó chè Shan vùng cao trên 1.700 ha), vùng tre măng Bát độ trên 4.000 ha, vùng quế gần 70.000 ha, vùng sơn tra trên 8.000 ha, đàn trâu bò gần 130.000 con, diện tích nuôi trồng thủy sản trên 22.300 ha và hơn 1.500 lồng cá với sản lượng trên 8.500 tấn; phát triển vùng cây nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm từ gỗ trên 100.000 ha. 

Các mô hình sản xuất mới được nhân rộng và triển khai thực hiện hiệu quả, được nhân dân đón nhận, đồng thời đã thu hút được một số doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh. Phong trào xây dựng nông thôn mới lan tỏa mạnh mẽ, đến nay, tỉnh đã có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 38,85% tổng số xã của tỉnh, vượt 144% mục tiêu nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh đề ra. Diện mạo nông thôn có sự thay đổi rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng lên. 

Có thể khẳng định, các mục tiêu, định hướng, chính sách trong sản xuất nông nghiệp những năm gần đây phù hợp với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã có vai trò thúc đẩy giải phóng và sử dụng có hiệu quả sức sản xuất, tư liệu sản xuất của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 bình quân giảm 4,12%/năm, vượt mục tiêu đề ra (4%/năm); giai đoạn 2016-2017 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) bình quân giảm trên 5,12%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra (3,5%/năm). 

Những việc làm cụ thể đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng 5 năm trở lại đây luôn đạt từ 4,5 đến 5%, giá trị sản xuất năm 2018 đạt 6.876 tỷ đồng, tăng 42,3% so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản chuyển dịch đúng hướng, giảm trồng trọt, tăng chăn nuôi. 

Phát triển sản phẩm chủ lực

Không làm ào ào, Yên Bái đã lựa chọn và xác định cho mình những sản phẩm hàng hóa có lợi thế để phát triển. Nói chính xác hơn là nông dân sản xuất không chỉ lo cái ăn nữa mà đã biết sản xuất theo hướng hàng hóa và thị trường. Không sản xuất hàng hóa đơn thuần mà còn sản xuất theo chuỗi giá trị, hàm lượng khoa học kỹ thuật trong các sản phẩm nông nghiệp cao. 

Khó ai có thể tin một tỉnh gần như không hề có một sản phẩm hoa quả hàng hóa nào nay đã phát triển và hình thành vùng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao. Bằng cơ chế, chính sách phù hợp, đến nay, toàn tỉnh đã có trên 8.397 ha cây ăn quả, sản lượng hàng năm đạt trên 40.000 tấn. Đặc biệt, đã phát triển được vùng cây ăn quả đặc sản có múi trên 2.000 ha (Yên Bình 200 ha, Văn Chấn 1.700 ha, Lục Yên 735 ha). 

Nhờ phát triển cây ăn quả đã góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu ở nhiều vùng quê. Lợi nhuận 1 ha bưởi ở Đại Minh, Hán Đà huyện Yên Bình trồng sau 5 năm đạt 150 triệu đồng/ha, năm thứ 10 cho thu trên 300 triệu đồng/ha/năm. 

Đối với cây cam ở Văn Chấn, Lục Yên, sau 5 năm cho lợi nhuận 110 triệu đồng/ha/năm, đến năm thứ 10 đạt 230 triệu đồng/ha/năm. Hay như trong chăn nuôi và thủy sản cũng vậy, trước đây nông dân chủ yếu nuôi quảng canh, nuôi dựa vào kinh nghiệm là chính thì nay chăn nuôi gia súc, gia cầm đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một ngành kinh tế chủ lực. 

Giá trị chăn nuôi năm 2018 đã đạt trên 1.700 tỷ đồng. Vùng cao đất đai rộng lớn tập trung chăn nuôi đại gia súc, vùng thấp tập trung chăn nuôi lợn, gia cầm. Toàn tỉnh có trên 2.000 cơ sở chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, trang trại tập trung quy mô lớn. 

Việc áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến đã tạo bước chuyển căn bản trong chăn nuôi nông hộ. Toàn tỉnh đã có 3 cơ sở chăn nuôi VietGAP, hình thành 13 chuỗi liên kết, trong đó có 3 chuỗi được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn... 

Chăn nuôi thủy sản phát triển không ngừng, tổng diện tích nuôi trồng đạt 2.600 ha, sản lượng khai thác năm 2018 đạt 9.000 tấn, giá trị sản xuất đạt trên 258 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2015. Hiện, toàn tỉnh có trên 1.500 lồng nuôi cá bằng khung sắt có thể tích trên 100m3/lồng, sản lượng đạt 2-3 tấn/lồng/năm, cao gấp 5 lần so với lồng làm bằng tre, hóp. Giá trị mỗi héc-ta chăn nuôi thủy sản đạt trên 130 triệu đồng/ha. 

Trong sản xuất lâm nghiệp, Yên Bái đã xây dựng và phát triển được một số sản phẩm lâm nghiệp đặc thù có tiềm năng như vùng quế trên 76.000 ha, vùng tre măng Bát độ trên 4.137 ha, vùng cây nguyên liệu gỗ, nguyên liệu giấy trên 200 ngàn ha, vùng cây sơn tra 5 ngàn ha. 

Tính đến hết năm 2019, diện tích rừng trồng của tỉnh là trên 215.000 ha, trong đó diện tích rừng trồng sản xuất là 156.953 ha, chiếm 73% diện tích rừng trồng toàn tỉnh, sản lượng gỗ bình quân hàng năm đạt trên 460.000 m3... giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đã đạt trên 1.500 tỷ đồng, chiếm trên 21% cơ cấu nội ngành nông nghiệp. 

Tiếp tục đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất

Có thể khẳng định, Nghị quyết 61-NQ/TU của Tỉnh ủy là một định hướng quan trọng trong quy hoạch, phát triển và xây dựng cơ chế chính sách, đưa sản xuất nông lâm nghiệp Yên Bái ngày một phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục, đó là: phương thức sản xuất nông nghiệp cơ bản còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo được sự chuyển biến thực sự trong cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp một cách hiệu quả, bền vững. 

Việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ còn chậm, nhất là trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch, nông nghiệp hữu cơ; kết quả thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế; giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích đất còn chưa cao; việc xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại cho sản phẩm của ngành nông - lâm nghiệp chưa được quan tâm nhiều, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản còn thấp.

 Để nâng cao và phát triển ngành nông nghiệp ngày một phát triển bền vững, Yên Bái cần tiếp tục và đẩy mạnh đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Dẫu đã có nhiều cố gắng nhưng số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp rất hạn chế, giai đoạn 2014 - 2018 có 7 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 93 triệu USD. 

Thế nhưng, thực tế triển khai mới đạt 11 triệu USD; doanh thu đạt trên 13 triệu USD, giá trị xuất khẩu đạt gần 14 triệu USD. Yên Bái tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là trong tiêu thụ và chế biến. 

Song song với đó là tăng cường liên doanh, liên kết "4 nhà” để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn làm hàng hóa. Cùng đó là tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi sản xuất từ nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ. 

Để làm tốt việc đó, các địa phương cần bám sát các quy định, chính sách và tổ chức thực hiện theo quy hoạch vùng sản xuất để tạo sự thống nhất, chặt chẽ từ nguyên liệu đến chế biến; liên kết để giảm mối trung gian, tổ chức kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm theo chuỗi; tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế nông thôn đáp ứng cho nhu cầu phát triển sản xuất; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào các vùng sản xuất lớn đảm bảo hạ tầng từ sản xuất đến thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ. 

Nhìn rõ những lợi thế, tiềm năng cũng như những tồn tại, hạn chế cùng với áp dụng đồng bộ các giải pháp về khoa học kỹ thuật, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và giải pháp về vốn... chắc chắn sản xuất nông nghiệp Yên Bái sẽ ngày một phát triển mạnh mẽ, thực sự trở thành trụ đỡ của nền kinh tế.

Thanh Phúc

Tags Nghị quyết 61 sản xuất nông nghiệp quế dâu tằm măng Bát độ bưởi Đại Minh cây ăn quả cá lồng

Các tin khác

Vụ đông xuân năm 2019 - 2020, huyện Mù Cang Chải sẽ gieo trồng 100 ha cải dầu, tập trung tại các xã: Nậm Khắt, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Mồ Dề và xã Kim Nọi với tổng số 735 kg giống cải dầu F1 do Công ty Phát triển du lịch xanh Thịnh Đạt cung ứng.

Nông dân phường Cầu Thia chăm sóc cây cà chua vụ đông.

Là một trong những địa phương có phong trào sản xuất cây vụ đông khá tốt, thời điểm này, các xã, phường trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đang tập trung chăm sóc cây màu vụ đông. Với kinh nghiệm và truyền thống sản xuất nhiều năm nay, thị xã Nghĩa Lộ đang phấn đấu cho một vụ đông thắng lợi toàn diện.

Năm 2019, tỉnh Yên Bái được phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên 3.900 tỷ đồng. Đến hết tháng 10, tổng vốn giải ngân mới đạt trên 2.240 tỷ đồng, bằng 55,3% kế hoạch, tăng 33,3% so với cùng kỳ.

Ảnh minh họa.

Từ đầu năm đến nay, trước diễn biến của bệnh dại có chiều hướng lây lan và bùng phát, tỉnh Yên Bái đã quan tâm chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tiêm phòng cho đàn chó. Qua đó, đến hết tháng 10, toàn tỉnh đã tiêm được gần 80.000 liều vắc-xin phòng dại, đạt 100% so với kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục