Cũng như nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) khác trên địa bàn, năm 2019 Agribank Chi nhánh huyện Văn Yên, Bắc Yên Bái cũng gặp khó khăn của nội tại ở địa phương như: các thành phần kinh tế trong huyện phát triển chưa đồng đều; khả năng tích lũy vốn của các tổ chức, các thành phần kinh tế, cá nhân còn thấp.
Cùng đó, sự cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường của nhiều tổ chức tín dụng làm công tác huy động vốn trên địa bàn… Nhưng với mục tiêu đáp ứng nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế, nhất là các hộ nông dân vay vốn để đầu tư sản xuất, Agribank Chi nhánh huyện Văn Yên, Bắc Yên Bái thực hiện nhiều giải pháp huy động vốn và đạt kết quả khả quan.
Đến ngày 31/10/2019 Agribank Chi nhánh huyện Văn Yên, Bắc Yên Bái đã huy động vốn đạt 820,1 tỷ đồng, tăng 134,8 tỷ đồng, tăng 19,67% so với đầu năm; trong đó, tiền gửi dân cư huy động đạt 793,6 tỷ đồng, tăng 134,1 tỷ đồng, tăng 20,34% so với đầu năm.
Ông Trần Văn Hiếu - Phó Giám đốc Chi nhánh cho biết: "Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã tích cực triển khai các hình thức huy động vốn phù hợp với đặc thù của địa phương; thực hiện nghiêm túc lãi suất huy động theo từng chu kỳ của Agribank quy định, triển khai kịp thời các sản phẩm huy động tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi lãi suất cạnh tranh và chủ động cân đối vốn tại địa phương; đối với khách hàng hộ sản xuất và cá nhân, hộ nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được tăng trưởng ổn định”.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho thấy, thị trường tiền tệ trên địa bàn từ đầu năm đến nay tiếp tục ổn định, không có biến động bất thường; các chi nhánh ngân hàng, các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đẩy mạnh huy động nguồn vốn tại địa phương, khai thác tốt nguồn vốn ngoài tỉnh, nguồn vốn điều hòa hệ thống; tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng...
Tổng nguồn vốn của các chi nhánh NHTM, QTDND trên địa bàn đến 31/12/2019 ước đạt 26.700 tỷ đồng, tăng 12,85% so với đầu năm, trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương của các chi nhánh ngân hàng, QTDND đạt 17.700 tỷ đồng, tăng 15,84% so với 31/12/2018, riêng tiền gửi thanh toán tăng 25,61%; nguồn vốn huy động tại địa phương chiếm 65,56% so với tổng nguồn; tổng dư nợ cho vay của các chi nhánh ngân hàng, các QTDND ước đến 31/12/2019 đạt 23.285 tỷ đồng, tăng 13% (định hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 so với năm 2018 từ 14% trở lên), trong đó, dư nợ cho vay của các chi nhánh NHTM tăng 2.141 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 12,78% (năm 2018 tăng 20,35%) và chiếm 81,14% tổng dư nợ.
Các chi nhánh ngân hàng đã thường xuyên rà soát, đánh giá, phân loại nợ đối với toàn bộ các khoản cấp tín dụng, ủy thác đầu tư theo mức độ rủi ro và khả năng thu hồi, trên cơ sở đó, đã thực hiện hạch toán, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định; dùng nhiều biện pháp để xử lý và thu hồi nợ xấu, phối hợp chặt chẽ với Tòa án, Cục Thi hành án dân sự tỉnh trong việc thu nợ... Vì vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các chi nhánh NHTM, QTDND đến 31/10/2019 chỉ chiếm 0,59% so với tổng dư nợ. Dự ước đến hết năm 2019, nợ xấu chỉ chiếm dưới 0,5% so với tổng dư nợ.
Bước vào thời điểm "nước rút", để hoàn thành mục tiêu kế hoạch kinh doanh, các ngân hàng cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ hạn mức để điều chỉnh kế hoạch dư nợ hợp lý; chủ động phân tích tình hình thực tế để áp dụng các biện pháp điều hành linh hoạt, bảo đảm phát triển an toàn, bền vũng, tập trung tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch được giao gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, quản lý khoản vay, tiếp tục áp dụng linh hoạt lãi suất cho vay nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.
Quang Thiều