Trong đó, một số chương trình, chính sách cho vay đạt doanh số cao như: chương trình cho vay hộ nghèo đạt trên 207 tỷ đồng, với hơn 6.000 lượt hộ; cho vay hộ cận nghèo đạt hơn 83,1 tỷ đồng với gần 2.500 lượt hộ vay; cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đạt trên 113,8 tỷ đồng, với hơn 3.400 lượt hộ vay...
Hầu hết, các hộ vay đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả vào trong sản xuất, làm dịch vụ giúp nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng tại địa phương.
Ngoài ra, để từng bước nâng cao chất lượng tín dụng, giúp cho người vay có điều kiện trả nợ đúng kỳ, đúng hạn, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện còn tích cực nâng cao vai trò, trách nhiệm phối hợp, đồng hành cùng với các tổ chức, đoàn thể, địa phương, tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền về chính sách vay vốn, giúp đỡ thủ tục, hồ sơ xét duyệt người vay; tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân với đồng vốn vay... tỷ lệ nợ quá hạn đã giảm xuống dưới 0,08% hiện nay.
Chị Nguyễn Thị Phượng, thôn Yên Thịnh, xã Yên Hợp phấn khởi cho biết: "Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, chồng mắc bệnh hiểm nghèo, các con đang độ tuổi đi học, kinh tế gia đình 100% dựa vào sản xuất nông nghiệp, mọi công việc đều do tôi gánh vác, cộng thêm khoản chi phí thuốc men nên kinh tế rất eo hẹp. Nhờ sự quan tâm của địa phương, năm 2015, tôi đã được vay 30 triệu đồng vốn chương trình cho vay hộ nghèo để trồng hơn 2 ha quế. Năm 2016, tôi tiếp tục vay được 12 triệu đồng vốn chương trình cho vay vệ sinh môi trường, xây dựng công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi. Có vốn, tôi mạnh dạn đầu tư chuyển đổi hướng phát triển kinh tế, giúp gia đình có điều kiện trả dần nợ gốc cho Ngân hàng và cố gắng thoát nghèo trong năm tới”.
Ngoài các hộ nghèo, cận nghèo thì đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo động lực để các hộ mới thoát nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Một trong số những hộ điển hình sử dụng đồng vốn chính sách đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả, vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá, giàu đó là hộ anh Trần Văn Sửu, thôn Yên Thịnh, xã Yên Hợp. Anh Sửu nhớ lại: "Cách đây 4 năm, gia đình tôi được xét ra khỏi diện hộ nghèo, nhưng kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Năm 2016, nhờ được vay trên 60 triệu đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện về phát triển kinh tế gia đình, ngoài đầu tư trồng hơn 3 ha quế, vợ chồng tôi để lại một phần vốn mở điểm thu mua gom quế vỏ tươi của bà con về bào, phơi khô rồi mới bán lại cho các thương lái. Cơ sở của tôi tạo việc làm ổn định cho các thành viên gia đình và trên 20 lao động thời vụ. Hiện, bình quân mỗi năm, tôi thu mua được trên 250 tấn quế vỏ tươi để sơ chế nên đã cải thiện được kinh tế gia đình và người làm công”.
Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, hiện tại, tổng dư nợ toàn huyện đạt gần 496 tỷ đồng, với trên 14.290 lượt người vay là các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách... trên địa bàn huyện. Từ phát huy hiệu quả đồng vốn chính sách, 5 năm qua, Văn Yên đã có hàng nghìn hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 18% năm 2019.
A Mua