Tuy nhiên, trên toàn quốc đã ghi nhận thêm một số trường hợp nhiễm bệnh ở nhiều tỉnh, thành phố, trong đó tỉnh Lào Cai là địa phương có nguy cơ cao ảnh hưởng đến Yên Bái, đưa tình hình dịch bệnh chuyển sang giai đoạn mới với diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường.
Diễn biến mới của dịch bệnh đã ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa, nhưng trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này tình hình thị trường vẫn đang trong tầm kiểm soát tốt. Thị trường hàng hóa trong ngày 7/3 trên địa bàn thành phố Yên Bái, có hiện tượng người dân đi mua sắm tại các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, các điểm bán hàng... Số người đi mua sắm tăng 50% so với mọi ngày.
Mặt hàng người dân mua chủ yếu là mì tôm, gạo, các loại lương thực thực phẩm khác và trang thiết bị phòng dịch như khẩu trang, nước sát trùng... Đến hôm qua 9/3, thị trường đã trở lại bình thường, giá cả có biến động nhưng tăng không nhiều.
Đối với một số mặt hàng người dân có nhu cầu mua cao trong mấy ngày qua như mì tôm và gạo thì qua khảo sát, trao đổi với một số doanh nghiệp lớn có vai trò chi phối trên địa bàn tỉnh như Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, Công ty TNHH Hải Phượng, Công ty TNHH Hiển Hằng... và một số đại lý gạo lớn cho thấy lượng hàng nhập và dự trữ luôn bảo đảm cho nhu cầu của người dân trong tình hình nhu cầu có thể tăng từ 3 - 4 lần so với ngày thường.
Bà Trần Thị Vĩnh - chủ đại lý gạo tại tổ 7, phường Minh Tân cho biết: "Hiện nay, lượng gạo dự trữ của gia đình còn vài chục tấn và chúng tôi đã đặt hàng với đối tác nên hết là có, không lo thiếu gạo. Chúng tôi cam kết cung cấp đủ lượng gạo cho người dân và không tăng giá”.
Riêng mặt hàng mì tôm có thời điểm khan hiếm cục bộ, nguồn hàng cung cấp từ các nhà phân phối lớn chuyển lên Yên Bái có thời điểm chậm nhưng hiện cũng không thiếu.
Đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác, hàng công nghệ phẩm, xăng dầu, gas... nguồn cung dồi dào và có khả năng đáp ứng nhu cầu cao của người dân. Mặt hàng thịt lợn nguồn cung cơ bản bảo đảm, giá có tăng so với trước từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Hoạt động kinh doanh của các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các chợ truyền thống... luôn bảo đảm nguồn hàng, giá cả ổn định và cam kết không tăng giá để phục vụ người tiêu dùng. Riêng đối với khẩu trang y tế, nguồn cung hiện nay đang khan hiếm, hầu hết các cửa hàng y tế không có hàng để bán, giá tăng cao từ 3-3,5 lần so với trước ngày 7/3.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp, nhu cầu của người dân tăng cao đột biến thì mặt hàng này khó đáp ứng được nhu cầu của người dân và công tác phòng, chống dịch.
Ông Phạm Trung Lân - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp có vai trò chi phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm có kế hoạch tăng nhập nguồn hàng dự trữ để cung cấp cho người dân trong điều kiện dịch có thể diễn biến phức tạp hơn; nghiên cứu đưa mặt hàng thiết bị y tế phòng chống dịch vào danh mục kê khai giá để quản lý.
"Sở cũng đề nghị tỉnh bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp lớn để tăng khả năng dự trữ nguồn hàng, bảo đảm bình ổn cung, cầu trong tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp, kéo dài. Riêng đối với mặt hàng khẩu trang, trong trường hợp cần thiết sẽ huy động các doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh may khẩu trang vải phục vụ nhu cầu người dân” - ông Lân nói.
Cục Quản lý thị trường Yên Bái đã tăng cường tuyên truyền và kiểm tra, kiểm soát thị trường, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn. Các mặt hàng được tập trung kiểm tra là khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng... và các sản phẩm, hàng hóa lương thực, thực phẩm phục vụ phòng chống dịch.
Lực lượng quản lý thị trường cũng yêu cầu các chủ cửa hàng, đơn vị kinh doanh cam kết không tăng giá, bán hàng hóa đúng giá niêm yết, đảm bảo ổn định thị trường. Trong thời gian vừa qua, Cục đã kiểm tra và xử lý vi phạm 9 vụ với 10 hành vi, phạt hành chính trên 7 triệu đồng, tịch thu 60 chiếc khẩu trang và thực hiện ký cam kết với 246 cơ sở.
Ông Phan Bá Hùng - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Yên Bái cho biết: "Mục tiêu lớn nhất là để thị trường luôn ổn định, góp phần cho công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả".
Ngày 9/3, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà đã ký Công văn hỏa tốc số 2117 của Tỉnh ủy gửi Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh yêu cầu: giám đốc các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh các phương án chuẩn bị đầy đủ nhu, yếu phẩm, vật tư, trang thiết bị cần thiết sẵn sàng cho công tác cách ly, chăm sóc, điều trị trong trường hợp dịch bệnh bùng phát kéo dài, ở quy mô lớn; kiểm soát chặt chẽ cung cầu, giá cả hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt bảo đảm nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của nhân dân; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tích trữ, tăng giá, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng theo quy định. |
Hồng Duyên