Vùng cao Yên Bái chủ động phòng chống cháy rừng mùa khô

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/3/2020 | 7:58:20 AM

YênBái - Hiện đang là thời kỳ cao điểm của mùa khô, thời tiết khô hanh, nắng hạn kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra, lực lượng chức năng và các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai nhiều biện pháp, đặc biệt cần quản lý chặt chẽ các hoạt động canh tác nương rẫy...

Các lực lượng tham gia dập lửa tại cuộc diễn tập ứng phó phòng chống cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Trạm Tấu.
Các lực lượng tham gia dập lửa tại cuộc diễn tập ứng phó phòng chống cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Trạm Tấu.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, mùa khô năm 2018-2019, toàn tỉnh để xảy ra 7 vụ cháy rừng, làm thiệt hại gần 57 ha rừng. Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy rừng trên là do người dân đốt nương rẫy, đốt bãi chăn thả gia súc để mọc cỏ mới đã cháy lan vào rừng. 

Trước thực trạng trên, ngay từ đầu mùa khô, để nâng cao nhận thức của nhân dân và chủ rừng, hạt kiểm lâm các địa phương trong tỉnh đã phối hợp với chính quyền cơ sở, các hội, đoàn thể cấp xã thường xuyên cử cán bộ đến địa bàn hướng dẫn, tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). 

Cùng đó, lồng ghép với các cuộc họp dân để tuyên truyền quy định, chính sách liên quan đến rừng, cách PCCCR, đốt nương, làm đường băng cản lửa... Đặc biệt, tại 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải công tác PCCCR được triển khai rất quyết liệt. 

Ông Dương Anh Tuấn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mù Cang Chải cho biết: "Hiện đang là thời kỳ cao điểm của mùa khô, tại các xã trên địa bàn huyện đều duy trì các chòi canh lửa, lán trực cháy tại các điểm cao, các thôn, bản cắt cử lực lượng thay nhau túc trực 24/24 giờ ở các chòi canh lửa. Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn làm tốt công tác thống kê, quy hoạch sản xuất nương rẫy, tuyên truyền hướng dẫn người dân kỹ thuật đốt dọn nương rẫy, đốt xử lý thực bì đúng quy định. Trước khi đốt rẫy, xử lý thực bì, người dân phải báo với UBND xã và chỉ được phép đốt sau khi được sự kiểm tra đảm bảo an toàn trong PCCCR và được sự đồng ý của UBND xã. Đặc biệt, không cho phép dùng lửa đốt và xử lý thực bì, nương rẫy trong những ngày thông tin dự báo cháy rừng cấp III trở lên”. 

Tại huyện vùng cao Trạm Tấu, hiện có 45.781 ha đất có rừng, độ che phủ rừng đạt 61,7%. Tính riêng mùa khô năm 2018-2019, trên địa bàn huyện đã để xảy ra 6 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 52,69 ha. Hầu hết các vụ cháy rừng đều do người dân đốt nương rẫy, đốt bãi chăn thả để cháy lan vào rừng. 

Điển hình như vụ cháy rừng xảy ra ngày 22/3/2019 tại thôn Sán Tra, xã Bản Công do Vàng Thị Gia, sinh năm 1998 trong quá trình sản xuất nương rẫy, đốt dọn thực bì do bất cẩn gây cháy lan vào rừng. Kết quả đối tượng Vàng Thị Gia bị xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng và buộc trồng lại rừng. 

Ông Vũ Trọng Huân - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu - Nghĩa Lộ cho biết: "Ngay từ đầu mùa khô, đơn vị tăng cường lực lượng kiểm lâm về các địa bàn trọng điểm về cháy rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương rẫy theo quy hoạch; duy trì thông tin báo cáo công tác bảo vệ rừng, PCCCR kịp thời, chính xác. Hạt Kiểm lâm huyện theo dõi diễn biến thời tiết, dự báo cấp cháy rừng, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên phạm vi toàn huyện”. 

Mặc dù lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp; tuy nhiên, có thể nhận thấy vấn đề cốt lõi trong PCCCR ở các huyện vùng cao là quản lý chặt việc canh tác nương rẫy. Do đó, ở các địa phương nơi có đồng bào phát nương làm rẫy cần tăng cường tuyên truyền đi đôi với việc quy hoạch nương rẫy, hoàn thiện các quy định về PCCCR trong canh tác nương rẫy, áp dụng các biện pháp không dùng lửa trong canh tác, kết hợp với thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động này sẽ góp làm giảm đáng kể nguy cơ cháy rừng.   

Văn Thông

Các tin khác
Sản phẩm tượng đá của huyện Lục Yên được khách hàng trong, ngoài tỉnh đánh giá cao về thẩm mỹ, chất lượng.

Hết năm 2019, toàn huyện có 158 doanh nghiệp, 47 hợp tác xã, trên 300 tổ hợp tác hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực khai thác chế biến công nghiệp, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, xây dựng cơ bản, vận tải, thương mại và dịch vụ...

Huyện Mù Cang Chải hiện còn 4.915 hộ nghèo. Năm 2020, huyện phấn đấu giảm 7,5% số hộ nghèo, tương ứng 747 hộ.

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 521/QĐ-UBND về việc công bố hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2019.

Lãnh đạo xã Hạnh Sơn khảo sát điều kiện để giúp đỡ gia đình chị Phạm Thị Phương ở thôn Bản Tào xóa nhà tạm.

Để đạt mục tiêu đã đề ra, thị xã Nghĩa Lộ đã nhanh chóng rà soát và phân công 48 cơ quan, đơn vị phụ trách trực tiếp tuyên truyền, vận động hỗ trợ giúp đỡ 204 hộ nghèo tại 11 xã, phường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục