Vụ xuân 2020, toàn tỉnh gieo cấy 19.534 ha lúa, đạt 104% kế hoạch. Hiện, trà I đang ở giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái; trà II đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ. Tuy nhiên, gần tháng nay nhà nông không khỏi lo lắng khi trên đồng ruộng xuất hiện sâu bệnh gây hại, đặc biệt là đạo ôn trên cây lúa.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện toàn tỉnh đã có 111 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá; trong đó, diện tích nhiễm nhẹ 90 ha, trung bình 20 ha, nặng 1 ha; tỷ lệ phổ biến 1-5%, cao 5-22%. Bệnh gây hại trên các giống nhiễm như: nếp, BC 15, Chiêm hương, HT1, Séng cù tại các địa phương: thành phố Yên Bái, huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên.
Bà Nguyễn Thị Liên ở thôn Gò Bông, xã Minh Quân cho biết: "Từ trung tuần tháng 3, qua thăm đồng đã phát hiện lúa có dấu hiệu nhiễm đạo ôn lá. Nhờ phát hiện sớm nên gia đình tôi đã phun phòng trừ 2 lần bằng thuốc đặc trị Fujione 40EC và đến nay không lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, thời tiết như hiện nay là điều kiện rất thuận lợi cho đạo ôn gây hại”.
Bà Trần Thị Hoàn Liên - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên cho biết: Vụ xuân này, huyện Trấn Yên đưa vào gieo cấy 2.250 ha lúa. Thời gian qua, thời tiết âm u và có mưa phùn xen kẽ là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh, lây lan và gây hại trên diện rộng. Qua kiểm tra, toàn huyện có khoảng 10 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá trên các giống nếp, Chiêm hương.
"Để ngăn chặn kịp thời sâu bệnh phá hại, đơn vị đã có thông báo về tình hình bệnh đạo ôn phát sinh gây hại lúa và hướng dẫn chi tiết cách phòng trừ đến các địa phương. Thời gian tới, đề nghị các xã tập trung chỉ đạo nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt chú ý vùng ổ và các giống nhiễm để có biện pháp phòng trừ kịp thời” - bà Liên nói.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Yên Bái, thời gian tới, các khu vực trong tỉnh trời nhiều mây, đêm và sáng có mưa vài nơi, ẩm độ không khí cao, sáng sớm có sương mù. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại mạnh.
Bệnh có nguy cơ lây lan trên diện rộng và có nhiều khả năng sẽ chuyển lên gây hại cổ bông vào cuối tháng 4 ở diện tích lúa trỗ sớm; đến đầu và giữa tháng 5 ở vùng thấp; cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 diện tích lúa ở các huyện vùng cao và các xã vùng cao. Nếu không chủ động phun phòng trừ bệnh đạo ôn lá và bệnh đạo ôn cổ bông sẽ có những diện tích lúa bị lụi làm thiệt hại đến năng suất ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp yêu cầu các đơn vị chuyên môn, chính quyền các địa phương khuyến cáo, hướng dẫn nông dân triển khai ngay các biện pháp phòng trừ.
Được biết, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã chỉ đạo trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát đồng ruộng, đặc biệt trên giống nhiễm và trà lúa đang trong thời kỳ mẫn cảm với bệnh đạo ôn.
Tổ chức thống kê diện tích nhiễm, tỷ lệ hại, cấp bệnh đối với từng giống nhiễm bệnh đạo ôn trên địa bàn từng xã và toàn huyện, thị xã, thành phố; tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và các xã, phường, thị trấn tổ chức mở các lớp tập huấn, tuyên truyền trên loa truyền thanh.
Đồng thời, hướng dẫn nông dân chủ động kiểm tra tình hình gây hại của bệnh đạo ôn, phát hiện kịp thời và áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp. Những ruộng đang có bệnh đạo ôn xuất hiện, dừng bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và luôn giữ đủ nước cho lúa.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi để phòng trừ bệnh đạo ôn lá khi bệnh mới phát sinh; phun phòng đối với đạo ôn cổ bông trước trỗ 5-7 ngày và sau trỗ 5-7 ngày bằng các loại thuốc đặc hiệu như: Fujione 40EC, Katana 20SC, NewHinosan 30EC, Beam 75WP, Trizol 20WP, Kabim 30WP, Bemsai 262WP và khi phun phải thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng và đúng kỹ thuật) để đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, nông dân cần tiếp tục theo dõi và phòng trừ kịp thời một số đối tượng sâu bệnh chủ yếu như: rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, khô vằn, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bạc lá.
Văn Thông