Là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên đã phát huy tốt nội lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế đồi rừng.
Năm 2003, khi có dự án phát triển cây tre măng Bát độ, Đảng ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực trồng loại cây này. Khi đó, anh Hà Xuân Tạo ở thôn Kiên Lao đăng ký trồng thử nghiệm 1 ha. Sau 3 năm, thấy loại cây trồng này sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh tiếp tục trồng thêm 1 ha. Đến nay, mỗi vụ măng anh thu 80 triệu đồng.
Không chỉ trồng măng Bát độ, anh còn trồng 2 ha quế, chăn nuôi lợn, gà, vịt… Năm 2019, anh khai thác 1 ha quế thu về trên 400 triệu đồng. Làm nghề trồng rừng, gia đình anh đã có điều kiện xây được ngôi nhà khang trị giá trên 700 triệu đồng.
Anh Tạo chia sẻ: "Phát huy kết quả đạt được, cuối năm 2019, vợ chồng tôi tái đầu tư xây dựng mô hình phát triển kinh tế tổng hợp toàn diện hơn. Nhờ vậy, thu nhập tiếp tục được tăng lên, đời sống được cải thiện rõ rệt...”.
Cũng từ nghề trồng rừng, anh Dương Kim Tiến ở thôn Đồng Song không những thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ giàu có. Sau nhiều năm phát triển kinh tế đồi rừng, anh Tiến có 8 ha quế, 2 ha tre măng Bát độ, mỗi năm thu nhập 200 triệu đồng.
Anh Tiến cho biết: "Thấy địa phương có đất đồi phù hợp với trồng cây quế, tre măng Bát độ nên tôi đã đưa những loại cây trồng này về sản xuất và hiện đã trở thành cây chủ lực về phát triển kinh tế. Nhờ đó, cuộc sống gia đình tôi được ổn định hơn. Thời gian tới, tôi tiếp tục đầu tư phát triển quế, tre măng Bát độ để không ngừng tăng thu nhập".
Sau nhiều năm phát triển, cây quế, tre măng Bát độ trở thành cây trồng quen thuộc với người Dao thôn Đồng Song. Những năm gần đây, bà con tích cực trồng hai loại cây này. Hiện, toàn thôn có trên 600 ha quế và 60 ha tre măng Bát độ. Riêng cây quế, mỗi năm giúp người dân thu về trên 12 tỷ đồng.
Nhờ tích cực trồng quế, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu. Hầu hết nhà ở của người dân ở thôn Đồng Song được xây dựng kiên cố, khang trang. Nhà nào cũng tự mua sắm được các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, có điều kiện cho con cái ăn học.
Anh Triệu Đức Trung - Trưởng thôn Đồng Song khẳng định: "Từ khi đưa cây quế, tre măng Bát độ về sản xuất, mỗi năm cả thôn đã có nguồn thu 17 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt trên 35 triệu đồng/người/năm”.
Tuy là xã vùng sâu, còn gặp nhiều khó khăn nhưng những năm qua, Kiên Thành đã thực hiện tốt tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương. Cùng với trồng lúa, ngô, khoai, sắn… xã vận động nhân dân tích cực đưa cây quế, tre măng Bát độ vào trồng đại trà thay thế các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp.
Đến nay, xã hình thành được vùng sản xuất quế tập trung với diện tích trên 2.000 ha và vùng tre măng Bát độ với diện tích gần 1.800 ha. Hàng năm, hai loại cây trồng chủ lực này đã đem về cho nhân dân trên địa bàn xã 77 tỷ đồng.
Hiện nay, Kiên Thành trở thành địa phương trồng tre măng Bát độ lớn của huyện. Được biết, năm 2003, khi mới trồng tre măng Bát độ, xã gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của tập quán canh tác; hơn nữa, chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, nên nông dân đắn đo không ủng hộ. Tuy nhiên, với quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền xã, sau 17 năm "bén rễ” trên đất Kiên Thành, tre măng Bát độ thực sự trở thành cây xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Năm 2019, sản lượng măng tươi đạt 38.000 tấn, đem lại thu nhập cho nhân dân trên 35 tỷ đồng. Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ tre măng Bát độ, quế, xã đã thực hiện phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở liên kết sản xuất nguyên liệu giữa người dân và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, vận động nông dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Ông Hoàng Văn Đà - Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thành cho biết: tuy là xã miền núi, đặc biệt khó khăn, nhưng dựa vào thế mạnh địa phương, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng. Trong đó, tập trung đưa cây quế, tre măng Bát độ vào sản xuất. Đến nay, hai loại cây trồng này đã trở thành cây hàng hóa của địa phương và không ngừng tăng thu nhập, ổn định đời sống của nhân dân và nhiều hộ có cuộc sống khá giả, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo của địa phương. Đồng thời, từ một xã nghèo, nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,1%.
Chí Sinh