Theo đó, huyện Lục Yên đã thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách của trung ương và tỉnh. Kinh tế tiếp tục phát triển khá, tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2020 dự ước đạt 4.218 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 36,6 triệu đồng/người (tăng 66,4% so với năm 2015).
Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Đến nay, huyện đã hình thành rõ các vùng sản xuất hàng hóa: tre măng Bát độ, lạc, quế và các loại cây ăn quả…; xây dựng được 280 cơ sở chăn nuôi tập trung (tăng 2,3 lần so với năm 2015); sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại năm 2020 ước đạt 9.000 tấn (tăng 32,3% so với nghị quyết). Tận dụng diện tích mặt nước các hồ, đập, huyện triển khai mô hình nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế với sản lượng đạt trên 1.750 tấn.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, với tinh thần phát huy nội lực cùng với sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, dự tính hết năm 2020, huyện sẽ có 7 xã đạt chuẩn NTM (vượt 4 xã so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI), các xã còn lại đều đạt từ 10 chỉ tiêu trở lên. Bộ mặt nông thôn từng bước đổi thay, kết cấu kinh tế - xã hội được đầu tư. Huyện đã xây dựng được 6 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao gồm: lạc nhân ri, dầu lạc đỏ, dầu lạc trắng, cam Lục Yên, măng mai, xúc xích thỏ.
Khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN), huyện tập trung thu hút đầu tư, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020 có 5 nhà đầu tư cam kết xây dựng nhà máy trong Cụm Công nghiệp Yên Thế; 14 dự án công nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký thực hiện trên 552 tỷ đồng và 11 triệu USD; trong đó, có 9 dự án đã và đang được triển khai thực hiện. Hiện tại, huyện đang duy trì, phát triển 45 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, sản xuất mộc dân dụng, sửa chữa cơ khí (tăng 1,4 lần so với năm 2015).
Một số doanh nghiệp đã mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng, có uy tín cạnh tranh cao như: Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam, Công ty cổ phần Khai khoáng Thanh Sơn, Công ty cổ phần Stone Base Việt Nam… Giá trị sản xuất CN - TTCN năm 2020 của huyện dự ước đạt 1.940 tỷ đồng (vượt 7,8% so với Nghị quyết).
Đối với hoạt động thương mại, dịch vụ, huyện Lục Yên cũng đã đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Đồng thời, triển khai có hiệu các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến khích đầu tư xây dựng các điểm du lịch sinh thái, du lịch gắn với di tích lịch sử, văn hóa; từng bước phát huy lợi thế du lịch của huyện với chiến lược phát triển lâu dài, bền vững.
Giai đoạn 2016 - 2020, huyện thu hút trên 275.000 lượt khách du lịch đến tham quan và doanh thu từ du lịch ước đạt 26,5 tỷ đồng/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng dự ước năm 2020 đạt 2.600 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 17,12%; giá trị xuất khẩu ước đạt 32,45 triệu USD, tăng 10,75% so với năm 2015.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Lục Yên tiếp tục đẩy mạnh phát kinh tế theo hướng phát triển xanh, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh địa phương; tập trung thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông lâm, thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường; hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của huyện; phát triển mạnh ngành chăn nuôi theo hướng hàng hóa; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm Công nghiệp Yên Thế; chú trọng phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng, hình thành các làng nghề CN - TTCN; quan tâm phát triển du lịch trở thành lĩnh vực có đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương và tăng thu nhập của nhân dân; tạo môi trường thu hút đầu tư trên tất cả các lĩnh vực…
Hồng Oanh