Để tiết kiệm chi phí tiền điện cần điều chỉnh về ý thức, thói quen sử dụng điện thì việc giảm chi tiền điện vào mỗi tháng sẽ không quá khó.
Do nắng nóng nên hàng tháng, các loại hóa đơn tiền nước, tiềm mạng, tiền điện... luôn là áp lực lớn đè nặng lên vai anh Nguyễn Văn Hải, một lao động tự do ở khu vực phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái. Trước áp lực cân đối chi tiêu, đầu năm 2020, anh Hải quyết tâm thực hiện "cuộc cách mạng nhỏ” ngay trong chính ngôi nhà của mình, đó là áp dụng "chiến lược” tiết kiệm điện.
Chia sẻ về ý tưởng thay đổi thói quen sinh hoạt của mình, anh Hải cho biết: "Các khoản chi phí như tiền mạng, tiền điện, tiền nước cơ bản chúng ta không thay đổi được, việc có thể thay đổi là làm thế nào để mình sử dụng các nguồn năng lượng này ít đi”.
Với suy nghĩ này, anh Hải bắt đầu thay đổi toàn bộ hệ thống bóng đèn compact trong nhà bằng hệ thống đèn LED tiết kiệm điện. Ngoài ra, khi mua sắm các đồ điện gia dụng trong gia đình, anh ưu tiên lựa chọn các thiết bị điện có sử dụng công nghệ Inverter, các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm điện thay vì cứ mua sắm vô tư như trước đây.
Đặc biệt, một trong những giải pháp đơn giản nhưng lại rất hiệu quả đó là anh dán những áp phích nhắc nhở mình và những người trong gia đình như: "Tắt đèn khi ra khỏi phòng”, "Không mở máy lạnh thấp dưới 25 độ C”, "Tắt quạt khi không sử dụng”...
Anh chọn vị trí dán tại các phích cắm điện, công tắc đèn trong nhà. Những thay đổi nhỏ và đơn giản này đã giúp cho hóa đơn tiền điện của gia đình anh giảm từ 100.000 đồng - 150.000 đồng/tháng so với thời gian chưa áp dụng giải pháp tiết kiệm điện.
Ngoài việc điều chỉnh thói quen trong sử dụng điện, các chuyên gia ngành điện cũng có một số mẹo nhỏ giúp các gia đình thành công hơn trong việc sử dụng điện năng tiết kiệm và hiệu quả như: khi sử dụng tủ lạnh, nên hạn chế việc mở tủ thường xuyên khi không cần thiết.
Mức nhiệt độ của tủ lạnh nên để ở chế độ vừa phải vì khi giảm xuống sâu là tủ lạnh sẽ tiêu thụ thêm 25% lượng điện năng. Với máy điều hòa nhiệt độ, một sản phẩm quan trọng vào mùa nắng nóng cũng là thiết bị tiêu tốn khá nhiều điện năng, mỗi gia đình cần lưu ý nên duy trì khoảng nhiệt độ lý tưởng.
Thông thường, các chuyên gia khuyến cáo người dùng nên duy trì mức nhiệt độ ở trên 20 độ C, vì nếu để điều hòa ở nhiệt độ càng thấp thì điện năng tiêu thụ càng nhiều. Ngoài ra, các hộ gia đình nên thường xuyên làm vệ sinh bộ phận lọc sẽ giúp tiết kiệm được từ 5 - 7% điện năng.
Đối với các thiết bị như máy tính bàn hoặc laptop, khi sử dụng, người dùng nên để độ sáng màn hình ở mức vừa phải. Hãy chọn chế độ tiết kiệm điện năng trong máy tính (ScreenSave) để vừa đỡ tốn điện, lại giúp bảo vệ cho máy tính.
Với tivi và quạt thì nên ngắt điện hoàn toàn ở phích cắm, không nên để thiết bị ở chế độ chờ. Đối với máy giặt, chỉ nên sử dụng khi có đủ lượng quần áo để giặt, không giặt quá ít sẽ giúp tránh tình trạng lãng phí điện và nước.
Khi sử dụng nồi cơm điện, không nên nấu cơm quá sớm, chỉ nên nấu cơm trước khi ăn khoảng 30 - 45 phút để giảm thời gian hâm nóng. Ngoài ra, các gia đình nên tận dụng tối đa nguồn sáng và nguồn gió tự nhiên bên ngoài thay vì phải bật đèn và máy điều hòa; sơn tường và sử dụng vật dụng nội thất trong nhà với tông màu sáng, việc lựa chọn gam màu sáng sẽ giúp tường hay các thiết bị nội thất trong nhà phản quang tốt hơn, ngôi nhà sẽ luôn được sáng sủa và thoáng đãng, sẽ hạn chế tối đa việc thắp đèn chiếu sáng...
Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả không những là giải pháp giúp các hộ gia đình giảm bớt gánh nặng chi tiêu mà còn thể hiện tinh thần, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường.
Quang Thiều