Hoạt động xuất, nhập khẩu những tháng đầu năm, nhất là tháng 4/2020 bị ảnh hưởng lớn bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Nhiều quốc gia đã phải áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách ly toàn xã hội… dẫn tới sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, kim ngạch xuất khẩu nói chung của cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh giảm sút mạnh. Các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội để hoạt động xuất khẩu khởi sắc trở lại.
Giá trị xuất khẩu giảm
Theo Sở Công Thương, tháng 5, tình hình dịch bệnh đã ổn định, lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dần trở lại bình thường nên hoạt động xuất khẩu có tăng so với tháng 4 nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, tháng 5, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,1 triệu USD, tăng 21% so với tháng 4/2020, giảm 29% so với cùng kỳ.
Lũy kế 05 tháng ước đạt 57,7 triệu USD, bằng 80,6% kịch bản tăng trưởng quý II; trong đó, mặt hàng rau quả đạt gần 1,3 triệu USD, giảm 21,0% so cùng kỳ năm trước; chè chế biến đạt trên 717.000 USD, giảm 39,77% so cùng kỳ; quặng và khoáng sản khác đạt trên 14,6 triệu USD, giảm 32,57% so cùng kỳ.
Chất dẻo nguyên liệu đạt trên 9,6 triệu USD, giảm 13,41% so cùng kỳ; giấy và các sản phẩm từ giấy đạt trên 3,2 triệu USD, giảm 18,49% so cùng kỳ; hàng dệt may đạt gần 19,1 triệu USD, giảm 12,91% so cùng kỳ.
Bên cạnh đó, vẫn có một số nhóm hàng tăng trưởng so với tháng 4/2020, chủ yếu là nhóm tinh bột sắn của Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Yên Bình; nhóm khoáng sản, chất dẻo của Công ty TNHH An Tiến Industries, Công ty CP Eco Green Plastic, Công ty cổ phần Khoáng sản Red Stone; nhóm sản phẩm may mặc…
Ông Phạm Trung Lân - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Do tác động của dịch bệnh nên lượng cung - cầu của thị trường, các hoạt động giao thương bị hạn chế. Một số mặt hàng không chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất, các đơn hàng bị đình trệ. Ngoài ra, việc thực hiện các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết, dẫn đến hàng tồn kho nhiều, nhất là các doanh nghiệp dệt may, chè, quặng và khoáng sản...”.
Tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường
Mặc dù hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đang gặp nhiều khó khăn, nhưng theo dự kiến của các ngành chức năng thì lĩnh vực xuất khẩu sẽ tăng trở lại trong những tháng cuối năm khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực; qua đó, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
Đặc biệt, thời điểm này, tình hình kiểm soát và khống chế dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc có kết quả tích cực. Các nước khác cũng đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh…
Nhiều quốc gia từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế; do đó, nhu cầu được dự báo sẽ dần tăng trở lại trong thời gian tới. Vừa qua, tỉnh đã tham dự Hội nghị trực tuyến với Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng cơ hội thực thi hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA).
Tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu trên địa bàn. Theo đó, lộ trình thực hiện sẽ được chia làm 2 giai đoạn và giai đoạn 1 (năm 2020) sẽ ban hành các văn bản triển khai cần thiết để thực hiện EVFTA; tổ chức các hoạt động phổ biến, tuyên truyền một cách bài bản về hiệp định ở các cấp độ khác nhau; trong đó tập trung vào các nội dung chuyên sâu và các thông tin thị trường; thiếp lập đầu mối thực hiện tại các sở, ngành, địa phương.
Giai đoạn 2 (từ 2021 - 2025) sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ làm việc tại các sở, ban, ngành trong tỉnh, các doanh nghiệp về EVFTA; xây dựng các chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của tỉnh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ngành hàng, sản phẩm trong tỉnh; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh.
Ông Vũ Vinh Quang - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Để giảm bớt rủi ro, ảnh hưởng do phụ thuộc thị trường, Sở đề xuất một số phương án, lộ trình phù hợp nhằm chuyển hướng khai thác, giảm bớt mức độ ảnh hưởng do phụ thuộc thị trường và mở rộng thị trường cho các sản phẩm chủ lực của địa phương”.
Cụ thể, về thị trường nguồn cung nguyên liệu sản xuất, trước mắt, giai đoạn 2020 - 2022 tiếp tục sử dụng nguồn nguyên liệu Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương và sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, thống kê danh mục các sản phẩm, nguyên liệu trong nước sản xuất được, có chất lượng, giá cả phù hợp nhằm thay thế nguồn cung về keo, mặt gỗ dán, nguyên liệu may mặc, hạt nhựa… từ Trung Quốc. Khuyến khích doanh nghiệp chế biến khoáng sản, hạt nhựa nghiên cứu, sản xuất các loại phụ gia thay thế nguyên liệu nhập khẩu.
Mục tiêu sau 2022, có thể chủ động nguồn cung nguyên liệu trong nước, giảm 50% sự phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu.
Về mở rộng thị trường tiêu thụ, đối với các sản phẩm tinh bột sắn, tinh dầu quế, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt là các thị trường AEC, Nhật Bản, Hàn Quốc, thị trường các nước CPTPP, và EVFTA hiện đã và sắp có lợi thế từ các FTA thế hệ mới.
Cùng đó, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, đa dạng hóa tính năng sử dụng, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng thị hiếu của các thị trường khó tính hơn. Mục tiêu đến 2022, tìm kiếm thêm ít nhất 1 thị trường cho các sản phẩm tinh bột sắn, tinh dầu quế.
Đối với sản phẩm khoáng sản, tăng cường việc ứng dụng sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao, hạn chế xuất khẩu thô vừa phụ thuộc thị trường vừa đem lại giá trị không cao.
Đối với sản phẩm gỗ ván, ghép thanh, đây là các sản phẩm có nguy cơ cao bị lợi dụng gian lận thương mại, lẩn tránh thuế; do vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh khai thác thị trường mới như Nhật Bản, EU cần làm tốt công tác quản lý, cấp phép đầu tư để hạn chế tối đa việc bị điều tra từ các thị trường tiềm năng, truyền thống, hoàn thiện tính pháp lý của các sản phẩm gỗ đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính hơn; đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đa dạng về mẫu mã, tính ứng dụng.
Với những giải pháp đưa ra, tỉnh phấn đấu tổng kinh ngạch xuất khẩu tháng 6 đạt trên 14 triệu USD, 6 tháng sẽ đạt trên 71,7 triệu USD, đạt 100,1% kịch bản tăng trưởng quý II/2020 và năm 2020 đạt 210 triệu USD.
Hồng Duyên