Hướng đi mới của nông dân Trạm Tấu
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/7/2020 | 1:42:51 PM
Đến nay, toàn huyện Trạm Tấu có trên 800 hộ chăn nuôi giống gà đen, trong đó nhiều hộ nuôi từ 500 - 1.000 con/lứa, nâng tổng số đàn gia cầm lên trên 120.000 con.
Cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu thường xuyên xuống hỗ trợ nông dân kỹ thuật nuôi gà đen.
|
Người Mông ở huyện vùng cao Trạm Tấu đã biết đến giống gà đen bản địa không chỉ là nguồn thực phẩm ngon mà còn là vị thuốc quý. Tuy vậy, giống gà đen ở đây vẫn chỉ được nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, chưa phát triển theo hướng sản phẩm hàng hóa quy mô lớn. Nguyên nhân là do đồng bào vùng cao điều kiện kinh tế còn khó khăn, kiến thức chăn nuôi hạn chế, chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm...
Nắm bắt được những hạn chế nêu trên, năm 2019, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp huyện Trạm Tấu triển khai dự án chăn nuôi gà đen đặc sản vùng cao có quy mô 2.400 con tại xã Túc Đán, xã Pá Lau với 20 hộ tham gia, mỗi hộ 120 con.
Theo đó, gà được nuôi úm 24 ngày tuổi theo đúng quy trình kỹ thuật thông thường, sẽ có trọng lượng đảm bảo 210 - 220 gam/con. Tháng đầu, gà được cho ăn thức ăn công nghiệp có tỷ lệ protein thô 21%; tận dụng nguồn thức ăn có sẵn của gia đình như: thóc, gạo, rau xanh… Tháng thứ hai cho gà ăn thức ăn công nghiệp có tỷ lệ Protein 19%; cho gà uống nước sạch trong thời gian chăn nuôi, hạn chế chăn thả và cho thức ăn hỗn hợp…
Sau hai tháng nuôi cùng sự giám sát, hỗ trợ khoa học, kỹ thuật của cán bộ Trung tâm, đàn gà của các hộ sinh trưởng tốt, có trọng lượng bình quân 1,3 kg/con, với giá thị trường là 130.000/kg, trừ chi phí mỗi hộ thu lợi trên 8 triệu đồng. Trên cơ sở kết quả thực hiện dự án, cán bộ Trung tâm đã đưa ra được tiêu chuẩn, quy trình, phương thức chăn nuôi tối ưu nhất cho giống gà đen; đồng thời, khẳng định đây là giống gà phù hợp với khí hậu, trình độ chăn nuôi, khả năng kinh tế của nông dân Trạm Tấu.
Anh Mùa A Dơ ở chòm Cu Vai, thôn Háng Xê, xã Xà Hồ là một trong những hộ đi đầu trong chăn nuôi gà đen thương phẩm ở huyện Trạm Tấu. Khởi nghiệp từ năm 2018 với 1.000 con gà giống từ khi chưa có nhiều kinh nghiệm, song nhờ chọn nuôi giống gà đen bản địa cùng sự hướng dẫn kỹ thuật thường xuyên của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nên ngay từ lứa đầu tiên anh Dơ đã thu lợi trên 100 triệu đồng. Từ đó đến nay, anh Dơ thường xuyên duy trì chăn nuôi 1.500 gà đen/lứa.
Anh chia sẻ: "Nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật tận tình của cán bộ nông nghiệp, tôi đã biết được chăn nuôi đúng quy trình khoa học, kỹ thuật, biết được cách sử dụng thuốc phòng tránh bệnh cho đàn gà. Cùng đó, tôi hiểu rõ hơn về cách úm gà con; cách lựa chọn con giống thông qua việc quan sát phần bụng gà con, chân gà, cánh gà và lựa chọn con giống có dáng đứng thẳng, thường xuyên ngóc đầu lên cao - đó là con giống khỏe mạnh”.
Chia sẻ về phát triển giống gà đen tại địa phương, ông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu và có nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ để phát triển chăn nuôi giống gà đen bản địa, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện còn thường xuyên cử cán bộ xuống từng hộ chăn nuôi để hỗ trợ, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân.
Đến nay, toàn huyện đã có trên 800 hộ chăn nuôi giống gà đen; trong đó, nhiều hộ nuôi từ 500 - 1.000 con/lứa, nâng tổng số đàn gia cầm lên trên 120.000 con. Sản phẩm gà đen đang nằm trong danh sách đầu những lựa chọn thực phẩm đặc sản của địa phương vùng cao trên thị trường và cung chưa đáp ứng đủ cầu. Với chu kỳ nuôi ngắn, sẵn thích nghi điều kiện khí hậu vùng cao nên việc tập trung chăn nuôi gà đen ở Trạm Tấu không chỉ để bảo tồn giống gà bản địa mà còn góp phần giúp nông dân dễ áp dụng để thoát nghèo, tiến tới trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương trong thời gian tới.
Hoài Văn
Các tin khác
Nổi bật trong nhiệm kỳ qua là Đảng bộ huyện Trạm Tấu đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, trọng tâm là chuyển đổi diện tích lúa nương, sắn kém hiệu quả sang trồng ngô đồi; mở rộng diện tích trồng lúa nước từ một vụ lên 2 vụ; đưa các giống lúa, ngô có năng suất cao, chất lượng vào sản xuất...
Giảm sức đề kháng khi trời nắng nóng, gia cầm dễ mắc các loại dịch bệnh. Vì vậy, chăm sóc, bảo vệ gia cầm trước ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng là việc làm quan trọng được người chăn nuôi quan tâm.
Thủ tướng nhấn mạnh phải thúc đẩy “cỗ xe tam mã” đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng để đạt tăng trưởng cao nhất, lấy đà cho đất nước.
Giá vàng SJC hiện giao dịch ở mức 49,45 – 49,85 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới 160.000 đồng/lượng.