Do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch bệnh Covid - 19 nên nguồn cung thịt lợn khan hiếm dẫn đến giá thịt lợn trên thị trường bị đẩy lên cao mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp kể cả việc nhập khẩu thịt lợn đông lạnh.
Tuy nhiên, từ khi có tin Chính phủ đồng ý cho nhập lợn sống về để nuôi, giết mổ, giá thịt lợn hơi trên thị trường đã giảm nhẹ. Giá thịt lợn ở các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh lập tức giảm từ 10.000 đồng đến hơn 20.000 đồng/kg tùy loại.
Trước đó, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai một loạt biện pháp nhằm hạ giá thịt lợn trên thị trường trong nước như chi trả tiền hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh; tạo điều kiện vay vốn; hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân tái đàn an toàn và nhập khẩu thịt đông lạnh... để tạo nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên, người dân vẫn "kêu trời” vì giá thịt lợn mỗi khi đi chợ.
Trước thực tế đó, Chính phủ cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi hoặc giết mổ làm thực phẩm kể từ ngày 12/6/2020 với yêu cầu phải đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh.
Trong đó, doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về kiểm dịch nhập khẩu, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc trong nước và thực hiện cách ly kiểm dịch 30 ngày. Như vậy, phải đến ngày 15/7, thịt lợn sống nhập khẩu mới ra đến thị trường phục vụ người tiêu dùng, song giá thịt trên thị trường hiện tại đã giảm.
Ngành chăn nuôi lợn ở tỉnh Yên Bái phát triển nhưng do dịch bệnh nên việc tái đàn cầm chừng do giá lợn giống và các chi phí khác như thức ăn, chế phẩm khử trùng… đắt đỏ.
Sau một thời gian bỏ trống chuồng trại và chuyển sang nuôi gia cầm, mới đây, nhận thấy giá thịt lợn tăng cao, gia đình bà Đào Thị Mai ở tổ dân phố 11, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên mua 3 con lợn giống về nuôi. Tuy nhiên, bà cũng chỉ dám nuôi dè dặt với số lượng ít vì lo sợ chuồng trại chưa được bảo đảm về vệ sinh phòng dịch. Mặt khác, thời điểm này, giá lợn giống quá cao, gia đình bà Mai chưa đủ điều kiện để mua nhiều.
Bà Mai cho biết: "Giá lợn giống cao quá, tôi không đủ vốn nuôi nhiều. Nếu đi vay để đầu tư tái đàn thì sợ nhiều rủi ro như: dịch tái bùng phát hoặc giá lợn xuống thấp thì sẽ thiệt hại lớn”.
Cũng như nhà bà Mai, gia đình bà Trần Kim Liên ở thôn Trúc Đình, xã Việt Thành có đàn lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi vào tháng 9/2019. Đàn lợn hơn 40 con lợn thịt và 4 con lợn nái phải tiêu hủy. Gia đình bà Liên trước đây thường xuyên nuôi lợn với quy mô hơn 100 lợn thịt/lứa, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Sau dịch, 16 ô chuồng rắc vôi bỏ trống. Mới đây, gia đình bà vừa quyết định mua 2 con lợn giống của một hộ cùng xã về tái đàn.
Bà Liên chia sẻ: "Hai con lợn giống này mua hết 5 triệu đồng, mỗi con có trọng lượng khoảng 10kg. Do giá lợn giống quá cao, cộng với tâm lý lo sợ dịch có thể tái phát nên gia đình tôi chỉ dám đầu tư nuôi thăm dò và sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi được khống chế hoàn toàn, chăn nuôi ổn định, gia đình mới tiếp tục tăng đàn”.
Qua tìm hiểu thực tế tại nhiều gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cho thấy, giá lợn tăng, người chăn nuôi lại găm hàng không muốn bán ra thị trường để đợi giá tăng thêm chút cũng là nguyên nhân gây "sốt ảo” đẩy giá lợn hơi tăng lên đến đỉnh điểm 100 - 109.000 đồng/kg. Chỉ khi Chính phủ quyết định cho nhập khẩu lợn sống làm thực phẩm, các hộ chăn nuôi thấy bất lợi cho việc giữ hàng, bán giá cao mới giảm giá xuống.
Thêm vào đó, mỗi khâu trung gian, dịch vụ giết mổ đẩy giá lên nên giá bán thịt tới tay người tiêu dùng tăng cao trong một thời gian dài. Việc đẩy giá lên cao quá mức trong thời gian qua, khiến người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn, lựa chọn thực phẩm khác và sử dụng nguồn hàng nhập khẩu.
Như vậy, vấn đề về công tác quản lý, giám sát chăn nuôi để đảm bảo cơ quan quản lý nắm chắc số lượng tổng đàn lợn, xác định chính xác năng lực nguồn cung để có biện pháp điều tiết thị trường phù hợp nhất. Công tác quản lý xác định yếu tố cấu thành giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng và kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng lợi dụng lũng đoạn thị trường thịt trong thời gian qua.
Phạm Quang