Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc thực hiện các giải pháp điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách địa phương từ nay đến cuối năm 2020.
Văn bản nêu rõ, do diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, nguy cơ tái bùng phát cao, ở trong nước kinh tế tăng trưởng chậm lại, tiến độ thu ngân sách đạt thấp do hoạt động sản xuất - kinh doanh suy giảm, giá dầu thô giảm sâu và phải điều chỉnh chính sách thu ngân sách nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Trong khi đó, để thực hiện mục tiêu kép "vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, chi ngân sách bên cạnh đáp ứng nguồn lực cho chi đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo dự toán, còn phải nghiên cứu cho các hoạt động ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ trực tiếp cho người dân, dự kiến cân đối ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngân sách trung ương cả năm sẽ khó khăn.
Trước tình hình đó, để thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ…, Bộ Tài chính đề nghị các tỉnh, thành phố cần tiếp tục tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách theo quy định.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kết hợp với các biện pháp hỗ trợ khác, nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, thu hút các nguồn vốn đầu tư mới, cơ cấu lại nền kinh tế, từ đó quyết tâm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc, rào cản trong quản lý đầu tư và xây dựng, nhất là vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp phép xây dựng, đấu thầu… tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các dự án.
Thực hiện theo dõi sát tiến độ triển khai và giải ngân các dự án đầu tư trên địa bàn, chủ động đề xuất cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước từ các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn, nhằm sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, kể cả việc điều chuyển vốn giữa các sở, UBND cấp dưới, trình cấp có thẩm quyền để thực hiện.
Cắt giảm kinh phí hội họp không cần thiết
Văn bản của Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở tài chính và cơ quan, đơn vị triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại của năm 2020, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020.
Bộ Tài chính đề nghị UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo sở tài chính tham mưu, điều hành đảm bảo cân đối ngân sách địa phương; chủ động sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết.
Trong đó, chủ động đảm bảo nguồn ngân sách địa phương và sử dụng nguồn ngân sách trung ương bổ sung (nếu có) để thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao, thì phải chủ động xây dựng phương án sử dụng các nguồn lực để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.
Cụ thể, huy động nguồn dự phòng ngân sách địa phương và tối đa phần còn lại của 70% số dư quỹ dự trữ tài chính đầu năm 2020; huy động nguồn kết dư ngân sách địa phương, phần tăng thu ngân sách địa phương năm 2019 chuyển nguồn sang năm 2020 sau khi đã dành nguồn để cải cách tiền lương theo quy định…
Để đảm bảo thực hiện tiết kiệm, hiệu quả ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch trong thu, chi ngân sách nhà nước; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên…
Cùng với đó, các địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí; thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra và việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với những trường hợp vi phạm, gây lãng phí tiền, tài sản nhà nước, tài nguyên thiên nhiên.
(Theo VOV)