Thủ tướng phê bình nhiều địa phương giải ngân vốn đầu tư công quá chậm

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/7/2020 | 10:26:57 AM

Nhiều địa phương bị Thủ tướng phê bình vì giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, dưới 20%. Có 7 bộ và cơ quan trung ương giải ngân chưa đạt 5%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Sáng 16/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến thường trực Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt thấp, khoảng 33%.

Trong khi đó, giải ngân đầu tư công được coi là nhiệm vụ hàng đầu, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Đặc biệt khi kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Giải quyết được 3 cái "đọng”

Trong phần phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê bình một loạt địa phương giải ngân vốn đầu tư công rất chậm. Đó là các tỉnh Quảng Trị, Trà Vinh, Khánh Hòa, Hòa Bình, Cần Thơ, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Đồng Nai. Ông nhấn mạnh những địa phương này chỉ đạt khoảng dưới 20% là "rất chậm”.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng khen một số địa phương giải ngân vốn nhanh như Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Ninh, Hà Nam, Tiền Giang. Những địa phương này đạt tỷ lệ giải ngân 44-45%, thậm chí có những nơi đạt 60-70%.

Còn lại, theo Thủ tướng những địa phương khác giải ngân một cách "bình bình” với tỷ lệ 20-25%.

"Tỷ lệ này cho thấy được sự chỉ đạo như thế nào? Tại sao tỉnh làm tốt, tại sao có tỉnh lại trì trệ?”, Thủ tướng nói trong cuộc họp nối tới 63 địa phương.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải có biện pháp mạnh mẽ, không thể trì trệ ảnh hưởng đến đất nước. Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là rất quan trọng trong năm nay, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập, tăng trưởng cho đất nước. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương có chế độ giao ban, kiểm tra, đôn đốc, tập trung chỉ đạo vấn đề giải ngân.

"Với tình hình này, chúng ta cần có biện pháp mạnh, chế tài mạnh, để giải quyết, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đây là nhiệm vụ chính trị cần thiết trong 6 tháng cuối năm”, Thủ tướng nói, đồng thời đề nghị hội nghị nêu ra các vướng mắc về thể chế pháp luật, "điều nào, điểm nào, nghị định nào, mâu thuẫn giữa luật, nghị định nào để Trung ương giải quyết”.

Thủ tướng cũng mong muốn hội nghị phải giải quyết được "3 cái đọng”. Thứ nhất là không được để vốn đọng, có tiền đó mà không tiêu được. Thứ hai là không để nợ đọng, tức là hạng mục thi công xong, đã hoàn thành nhưng không quyết toán, "cứ ngâm đó mãi”.

Thứ ba là thủ tục đọng, một vấn đề phổ biến hiện nay. "Không để tình trạng biết rồi nói mãi, cứ để năm này sang năm khác như thế”, Thủ tướng chỉ rõ. Sau hội nghị phải có hành động.

7 bộ, cơ quan trung ương giải ngân đạt dưới 5%

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), tổng số vốn đầu tư công được Quốc hội giao là 470.600 tỷ đồng, chia ra vốn trong nước 410.600 tỷ đồng, vốn nước ngoài 60.000 tỷ đồng. Trong đó tỷ lệ vốn đầu tư của các bộ, cơ quan trung ương chiếm 22,9% và vốn đầu tư của các địa phương chiếm 77,1%.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm là 160.000 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch. Tỷ lệ này có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019, khi đó đạt 28,56%.



Năm nay, vốn trong nước đã giải ngân là 145.000 tỷ, đạt tỷ lệ 37,55% kế hoạch. Tuy nhiên, vốn nước ngoài lại giải ngân rất chậm, chỉ đạt 12,52% (khoảng 7.000 tỷ).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng dù các cấp, các ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu.

Có 3 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 30 bộ, cơ quan trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Trong đó, có 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%. Có 3 bộ, cơ quan trung ương và 12 địa phương có số giải ngân đến 30/6 đạt trên 45%.

(Theo Zing)

Các tin khác
Bộ Tài chính đề nghị cắt giảm 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác từ nay đến hết năm 2020 (Ảnh minh họa)

Bộ Tài chính đề nghị cắt giảm 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác từ nay đến hết năm 2020.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn.

Riêng với gạo, Ủy ban châu Âu đưa ra một quy định riêng và với hạn mức hằng năm là 80.000 tấn, trong đó có 20.000 tấn gạo chưa xay xát, 30.000 tấn gạo xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các chuyên gia Chương trình FFF phổ biến kỹ thuật trồng cây lá khôi cho hội viên nông dân xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.

Trên cơ sở kết quả của Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) giai đoạn I, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) tiếp tục tài trợ Chương trình FFF giai đoạn II (2019-2022) tại Việt Nam, trong đó có tỉnh Yên Bái.

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai các gói hỗ trợ khách hàng.

Tính đến hết ngày 30/4/2020, các chi nhánh ngân hàng đã tháo gỡ khó khăn cho 8.349 khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục