Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đây được ví như tuyến "đường cao tốc" mở ra cơ hội đẩy mạnh giao thương giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu, một trong những khu vực thị trường quy mô lớn và có trình độ phát triển cao hàng đầu thế giới.
Đường "cao tốc" vào EU đã mở
Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu EU. Trong khi đó, EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,9% tổng giá trị nhập khẩu toàn cầu.
"EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, nhưng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU mới chiếm khoảng 2% trong tổng giá trị nhập khẩu hàng năm của EU. Hiệp định EVFTA có hiệu lực tạo điều kiện giúp hàng hóa của Việt Nam tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người", Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết.
Tiến trình đàm phán EVFTA và EVIPA
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ ngay 85,6% số dòng thuế đối với hàng hóa Việt Nam, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại (bao gồm: 1 số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao, tinh bột sắn, cá ngừ đóng hộp), EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Ở chiều ngược lại Việt Nam có lộ trình cắt giảm thuế chậm hơn. Cụ thể Việt Nam xóa bỏ 48,5% số dòng thuế cho hàng hóa của EU tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Trong vòng 10 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ khoảng 98,3% số dòng thuế trong biểu thuế, chiếm 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam. Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam cam kết dành hạn ngạch thuế quan như cam kết của WTO, hoặc áp dụng lộ trình xóa bỏ đặc biệt (như thuốc lá, xăng dầu, bia, linh kiện ô tô, xe máy).
Cơ hội cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Nông lâm thủy sản được đánh giá là mặt hàng hưởng lợi ngay sau khi EVFTA có hiệu lực.
Phân tích của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chỉ ra rằng, xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang EU đang đứng trước cơ hội rất lớn khi doanh nghiệp có thể tiếp cận một thị trường tiêu thụ thủy sản khổng lồ với mức tiêu thụ thủy sản trung bình đạt mức 22,03 kg/người, cao hơn 5,34 kg so với mức trung bình của thế giới.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, EU đã và đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Thị trường này luôn chiếm trên 17% -18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hàng năm. Trong đó, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30-35%.
Đối với ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM chia sẻ, dư địa thị trường EU đối với sản phẩm đồ gỗ còn rất lớn. EU hiện là thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn thứ 2 thế giới. Và mặc dù Việt Nam là trong 5 quốc gia chế biến, xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới, nhưng kim ngạch xuất vào EU còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm hơn 1% tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ hàng năm của khối này.
Khi EVFTA có hiệu lực, nhà nhập khẩu EU có khả năng sẽ ưu tiên mua sản phẩm gỗ Việt Nam để được cắt giảm thuế. Giá thành đồ gỗ Việt Nam tại EU cũng sẽ giảm và trở nên hấp dẫn người tiêu dùng hơn.
Cùng với nông lâm thủy sản, da giày và dệt may cũng là hai mặt hàng được đánh giá có nhiều cơ hội xuất khẩu khi EVFTA có hiệu lực.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thủy, Trưởng phòng Chiến lược và Chính sách hội nhập Bộ Công Thương nhận định, khả năng phát triển của ngành da giày Việt Nam sẽ còn rộng mở hơn nhờ hiệu ứng của EVFTA.
Cụ thể, EU hiện đang là thị trường xuất khẩu hàng da giày lớn thứ 2 của Việt Nam với khoảng 30% giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, Đức, Pháp, Bỉ là các thị trường chính. Vì vậy, khi EVFTA đi vào thực thi, Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu hơn, đồng thời tạo xung lực thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ.
Việt Nam hiện có hơn 1.500 doanh nghiệp với khoảng 1 triệu lao động làm việc trong ngành thuộc da và 500.000 lao động trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Hầu hết công nhân làm việc trong ngành da giày Việt Nam có kỹ năng làm việc tốt hơn so với công nhân các thị trường mới nổi như Campuchia, Bangladesh, Ethiopia, Myanmar…
Trước khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam chịu mức thuế suất phổ biến từ 8% -12% vì thế các nhà nhập khẩu EU thường ưu tiên mua hàng của các đối tác đã có hiệp định thương mại tự do để được hưởng ưu đãi thuế.
Với EVFTA, hơn 40% số dòng thuế sản phẩm dệt may được xóa bỏ về 0% ngay, số còn lại sẽ được xóa bỏ sau 3-7 năm. Đồng nghĩa với việc hàng dệt may Việt Nam xuất vào EU có thể cạnh tranh bằng chi phí sản xuất, giảm giá bán ra thị trường. Các nhà nhập khẩu cũng sẽ ưu tiên mua hàng dệt may của Việt Nam
Đường lớn nhưng không dễ đi
Cơ hội thị trường từ EVFTA rất lớn nhưng đây không phải chìa khóa vạn năng giúp hàng hóa Việt Nam ồ ạt xuất khẩu vào EU mà chỉ tạo điều kiện để hàng hóa có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ giảm thuế, giảm giá thành so với trước khi có hiệp định.
Theo đó, việc bước vào "sân chơi" lớn cũng đồng nghĩa với việc hàng hóa Việt Nam phải chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục Trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, khi thực hiện các cam kết mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan theo hiệp định thương mại tự do thì quốc gia nhập khẩu cũng tìm nhiều cách tăng cường biện pháp kỹ thuật về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; thậm chí, yêu cầu trách nhiệm với môi trường và tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Hôm nay (1/8), EVFTA chính thức có hiệu lực, cao tốc đã mở, cơ hội lớn, thách thức nhiều - Ảnh 5.
Hiện EU đang là một trong những thị trường có yêu cầu về hàng rào kỹ thuật thuộc loại cao nhất thế giới
Hiện EU đang là một trong những thị trường có yêu cầu về hàng rào kỹ thuật thuộc loại cao nhất thế giới. Đặc biệt là về kiểm dịch động, thực vật; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); khai báo nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Đối với nông sản, EU đang thúc đẩy chiến lược từ nông trại đến bàn ăn với những yêu cầu mới, khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm và các yếu tố khác. Sản phẩm xuất khẩu vào EU, bên cạnh chất lượng, nguồn gốc xuất xứ còn phải đảm bảo yếu tố môi trường. Đối tác xuất khẩu phải chứng minh sản phẩm được sản xuất trong các nhà máy đạt chuẩn; quá trình sản xuất không gây ô nhiễm môi trường, không sử dụng lao động nhỏ tuổi hoặc quá tuổi.
Trong khi đó, dệt may, da giày lại đối diện với nỗi lo nguồn cung nguyên liệu.
Ông Trần Như Tùng, đại diện Công ty Dệt may Thành Công thông tin, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết của EVFTA, EU yêu cầu quy tắc xuất xứ cho sản phẩm dệt may là hai công đoạn, từ vải trở đi. Nghĩa là vải sử dụng để cắt may phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU hoặc từ nước thứ ba có FTA với cả Việt Nam lẫn EU.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp dệt may Việt Nam đầu tư vào chuỗi sản xuất từ nguyên liệu đến thiết kế và tạo thành phẩm không nhiều. Phần lớn doanh nghiệp đều gia công và phải nhập khẩu nguyên liệu ngoài phạm vi EU công nhận. Khi không đáp ứng được quy tắc xuất xứ thì mọi điều khoản về cắt giảm thuế đều trở nên vô nghĩa.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam phân tích, để đầu tư một nhà máy kéo sợi, dệt nhuộm đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, ngoài chi phí xây dựng nhà máy, mua sắm thiết bị, thì đào tạo nhân lực cũng rất tốn kém. Trung bình chi phí đào tạo một lao động kỹ thuật làm việc trong nhà máy dệt có thể gấp 20 lần so với đào tạo một công nhân may. Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp tham gia vào ngành dệt may Việt Nam đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính hạn chế nên chỉ hoạt động cắt may, gia công để thu hồi và quay vòng vốn nhanh.
Điều này cũng dẫn đến tình trạng ngành công nghiệp dệt may Việt Nam phát triển mất cân đối, trong khi khâu cắt may ngày càng phình to thì khâu dệt nhuộm vẫn không lớn nổi. Để có nguyên liệu gia công xuất khẩu, Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu (bông, xơ sợi, vải, phụ liệu) từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc. Năm 2019, xuất khẩu dệt may đạt gần 38,9 tỷ USD nhưng cũng nhập khẩu tới 22,4 tỷ USD nguyên phụ liệu. Phần giá trị thặng dư được tạo ra tại Việt Nam chủ yếu là công lao động.
Tương tự với dệt may, ngành da giày cũnng đang đối mặt với thách thức về nguồn nguyên liệu. Theo Hiệp hội Da Giày - Túi xách Việt Nam, thời gian qua, một số chuỗi cung ứng sản xuất nguyên phụ liệu từ nước ngoài đã chuyển dần vào Việt Nam giúp gia tăng tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu nội địa. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu trên chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế nguồn lực tài chính, công nghệ nên rất khó để đầu tư sản xuất nguyên liệu.
(Theo VTV)