Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố; lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam và EU.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban ngành, đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn.
Hiệp định thương mại tự do EVFTA được ký kết ngày 30/6/2019 và có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, kết nối Việt Nam với một thị trường hơn 450 triệu dân và có tiềm năng hàng đầu thế giới; được kỳ vọng tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế theo hướng tích cực, giúp thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Liên minh Châu Âu.
Động lực thúc đẩy để doanh nghiệp Việt tự nâng cấp chính mình
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phú nhấn mạnh, đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới toàn diện, đem lại cơ hội cho cả 2 phía Việt Nam và EU, đáp ứng mong đợi của người dân và doanh nghiệp. Những cam kết trong Hiệp định cũng dự kiến mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu với mức tăng gần 45% năm 2030 so với kịch bản không có hiệp định, dự kiến mang đến gần 150.000 việc làm mới mỗi năm.
Thủ tướng cũng cho rằng, EU luôn là thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa, dịch vụ - nơi không có chỗ cho các doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng. Đây là động lực thúc đẩy để các doanh nghiệp Việt tự nâng cấp chính mình, chấp nhận luật chơi mới khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Công Thương, cơ quan điều phối việc thực thi Hiệp định EVFTA, đã trình bày tổng quan về Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA của Chính phủ và những vấn đề các bộ, ngành và địa phương cần lưu ý để bảo đảm thực thi hiệu quả Hiệp định; trong đó có 5 nhiệm vụ chủ yếu. Lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương cũng đã trình bày về sự chuẩn bị của bộ, ngành, địa phương mình đối với việc thực thi Hiệp định EVFTA.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.
Yên Bái: Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA chia 2 giai đoạn
Đối với Yên Bái, tỉnh cũng đã có dự thảo kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA trên địa bàn tỉnh, trong đó dự thảo xác định mục tiêu, đối tượng, phạm vi, lộ trình thực hiện; nội dung, nhiệm vụ cụ thể; trong đó, từ nay đến năm 2025 sẽ chia thành hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 trong năm 2020: sẽ tập trung rà soát văn bản quy phạm pháp luật, ban hành các văn bản triển khai để thực hiện; quán triệt về sự cần thiết và lợi ích của việc thực hiện Hiệp định.
Giai đoạn 2 từ năm 2021-2025: sẽ tập trung kiểm tra, giám sát việc quán triệt thực hiện Hiệp định EVFTA ở các sở, ban ngành và đơn vị liên quan; xây dựng các chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của tỉnh. Trước mắt, tổ chức phổ biến, thông tin tuyên truyền một cách bài bản, tập trung vào các nội dung mang tính chuyên sâu và các thông tin thị trường; thiết lập đầu mối.
Theo đó, một số ngành hàng của tỉnh Yên Bái có tiềm năng phát triển xuất khẩu là hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả; các ngành hàng liên quan đến chế biến khoáng sản, hạt nhựa phụ gia, nhóm nông sản chế biến.
Căn cứ vào các nội dung của Hiệp định, những ngành hàng này đều có những cơ hội lẫn thách thức. Do vậy, công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị triển khai thực thi Hiệp định hết sức cần thiết; trong đó có hỗ trợ các sở, ban ngành, các doanh nghiệp và người dân để thực hiện; đề ra các giải pháp tận dụng EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Thanh Chi - Mạnh Cường