Với mục tiêu hạn chế tái nghèo, hướng đến giảm nghèo bền vững (GNBV), phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân mỗi năm trên 4% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giảm nghèo, quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025, đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện, bền vững trong vùng.
Phải khẳng định, việc triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh Yên Bái; có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống của nhân dân trong tỉnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK); tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Đặc biệt, nguồn lực từ các chương trình đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo đà kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Hiệu quả đạt được tại tỉnh Yên Bái cũng góp phần hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế, để "không ai bị bỏ lại phía sau”.
Dẫu vậy, Yên Bái vẫn còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh thấp, nhất là vùng đồng bào dân tộc và miền núi trình độ sản xuất hạn chế, địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng kém phát triển, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, ngành nghề dịch vụ manh mún. Thêm vào đó, thời tiết khắc nghiệt do thiên tai, lũ ống, lũ quét, biến đổi khí hậu… cũng là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến công tác giảm nghèo và thoát nghèo bền vững của người dân.
Mặt khác, còn một bộ phận người dân còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tiềm ẩn một số vấn đề cần quan tâm giải quyết như: tình hình an ninh nông thôn, an ninh vùng dân tộc, tình hình di cư tự do, tái trồng cây thuốc phiện... Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS, miền núi vẫn rất cao, nguy cơ tái nghèo luôn thường trực, nhất là mỗi khi có thiên tai, lũ bão.
Nguồn lực Nhà nước ưu tiên đầu tư cho các huyện nghèo, xã, thôn, bản ĐBKK vùng dân tộc và miền núi những năm qua là không hề nhỏ song mức đầu tư thấp so với nhu cầu thực tế, trong khi điều kiện nguồn lực ngân sách địa phương còn rất khó khăn. Sự trợ lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư hỗ trợ các địa phương vùng ĐBKK, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Yên Bái thực hiện mục tiêu GNBV trong giai đoạn tiếp theo là hết sức quan trọng và thực sự cần thiết.
Tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2025 đảm bảo 100% số xã vùng cao có đường bê tông đến trung tâm xã.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái đề xuất tiếp tục thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình GNBV và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Theo đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có trên 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; ít nhất 40 xã đặc biệt khó khăn đạt tiêu chí nông thôn mới; có thêm từ 1 - 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; chú trọng tập trung quy hoạch, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là vùng nông thôn; giảm nghèo và an sinh xã hội; phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; vệ sinh môi trường nông thôn; cải thiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công…
Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV phấn đấu thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân mỗi năm trên 4%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải bình quân giai đoạn 2020 - 2025 giảm trên 5%/năm, trước năm 2025, huyện Mù Cang Chải cơ bản không còn là huyện nghèo; 100% xã vùng cao có đường bê tông đến trung tâm xã; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp…
Tỉnh chỉ đạo tập trung nguồn lực phát triển sản xuất, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo bền vững vùng DTTS và miền núi; tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, phát triển giáo dục và đào tạo vùng DTTS, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người vùng DTTS; xây dựng đội ngũ cán bộ vùng DTTS; nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, củng cố an ninh nông thôn; tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển địa bàn ĐBKK vùng DTTS và miền núi; nâng cao tính chủ động, tự lực của đồng bào vùng DTTS để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Giải pháp huy động và sử dụng nguồn lực được tỉnh xác định, đó là tăng cường thực hiện lồng ghép hiệu quả các chính sách về nông nghiệp, nông thôn; chính sách về giảm nghèo với việc triển khai thực hiện các nội dung, dự án thành phần thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn nông thôn, các xã nghèo, các xã ĐBKK.
Tập trung ưu tiên thực hiện các chính sách của tỉnh như chính sách hỗ trợ người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; lồng ghép thực hiện các tiêu chí nông thôn mới về hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế...
Thực hiện theo cơ chế phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở, tăng cường sự tham gia của người dân trong xây dựng và thực hiện các chương trình. Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động; tranh thủ nguồn vốn ngân sách Trung ương, cân đối bố trí vốn đối ứng từ nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Cần xác định thứ tự ưu tiên thực hiện các nội dung chương trình, lấy đó làm căn cứ cho việc phân bổ nguồn lực các chương trình nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực. Chú trọng huy động vốn đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình kết cấu hạ tầng theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm” trên tinh thần tự nguyện tham gia, không giao tỷ lệ bắt buộc nhân dân đóng góp và huy động quá sức dân.
Tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm, chỉ đạo, điều hành thống nhất, tập trung, quyết liệt; tăng cường sự gắn kết chặt chẽ trong tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với nhiệm vụ Chương trình hành động số 190-CTr/TU, Kế hoạch số 170 của Tỉnh ủy Yên Bái về GNBV 2020.
Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, huy động sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất, quyết tâm cao của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và mỗi người dân, xem đây là nhân tố quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn trong giai đoạn tới.
Từng bước tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2025 đạt khoảng 8%/năm; trong đó, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 6,2%/năm, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt trên 68 triệu đồng.
Minh Thúy