Yên Bái: Khởi sắc từ đột phá phát triển hạ tầng giao thông

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/9/2020 | 10:02:23 AM

YênBái - Là tỉnh miền núi nên một trong những khó khăn lớn nhất được tỉnh xác định là hạ tầng giao thông (HTGT).

Nhân dân xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn bê tông hóa đường giao thông nông thôn.
Nhân dân xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Đây cũng là một trong 3 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội những năm qua được tỉnh tập trung cao độ, quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Nhờ đó, việc đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng, nhất là HTGT đã có bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng cho kết nối phát triển kinh tế địa phương, kinh tế vùng và thu hút đầu tư, mở ra nhiều cơ hội thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

Điều dễ nhận thấy trong 5 năm trở lại đây, đó là hệ thống HTGT trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển đồng bộ từ thành thị đến nông thôn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã huy động được hơn 12.200 tỷ đồng đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư một số công trình trọng điểm, có tác động lớn đến phát triển mở rộng không gian đô thị và kinh tế - xã hội của tỉnh như: dự án đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối nút giao IC12 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên; đường Văn Chấn - Trạm Tấu; đường Âu Lâu - Đông An... 

Đặc biệt, 2 cầu vượt sông Hồng gồm cầu Bách Lẫm và cầu Tuần Quán đi vào hoạt động đã tạo kết nối quan trọng trong phát triển trục động lực kinh tế của tỉnh. Toàn tỉnh đã thực hiện kiên cố hóa gần 1.800 km đường giao thông nông thôn (GTNT). 

Các dự án hoàn thành đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo điều kiện kết nối giao thông các vùng trong tỉnh và với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. 

Đặc thù của tỉnh miền núi, mạng lưới đường GTNT của tỉnh chiếm tỷ lệ rất lớn trong mạng lưới đường bộ với 7.479 km. Tuy nhiên, tỷ lệ kiên cố hóa thấp. Với quyết tâm chính trị của tỉnh, thông qua nhiều chương trình, dự án, đề án, cùng với lồng ghép các nguồn vốn khác nhau, hệ thống đường GTNT từng bước được đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng. 

Tại huyện Mù Cang Chải, giai đoạn 2011 - 2019, địa phương này được đầu tư 395,753 tỷ đồng để mở mới 390,3 km; sửa chữa nâng cấp 113,8 km đường GTNT; nhân dân đóng góp hàng nghìn công và nguyên vật liệu kiên cố hóa được trên 42,5 km/102,85 km đường ngõ xóm. Huyện đã có 1 xã đạt tiêu chí về GTNT. 

Đến nay, tỉnh đã có 73 xã/150 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); trong đó, có 80 xã/150 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông, góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh. 

Riêng trong nhiệm kỳ vừa qua, với tổng số vốn bố trí gần 1.703 tỷ đồng, gồm nguồn vốn của tỉnh, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và các bộ, ngành hỗ trợ là 1.195 tỷ đồng; vốn của huyện là 243 tỷ đồng; huy động hợp pháp và nhân dân đóng góp là 265 tỷ đồng, tỉnh đã hoàn thành mở mới, mở rộng được khoảng 207 km đường; kiên cố hóa được gần 1.800 km đường GTNT, đưa tỷ lệ đường GTNT được kiên cố hóa trên toàn địa bàn đạt 49,47% với khoảng 3.700 km. 

Hệ thống đường GTNT của tỉnh đã có bước thay đổi vượt bậc, các tuyến đường trục cơ bản đã hình thành tạo sự kết nối giữa các tuyến đường GTNT với các tuyến quốc lộ và đường tỉnh kết nối phát triển kinh tế - xã hội các địa phương; đồng thời, thúc đẩy các tiêu chí NTM khác sớm hoàn thành và tạo ra một diện mạo mới khang trang tại các khu vực nông thôn, nối gần vùng, miền, địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Tiếp tục thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển đô thị, quan điểm của tỉnh là huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng điểm, có sức lan tỏa, kết nối phát triển vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trọng tâm là HTGT, đô thị kết nối nông thôn, thông tin, viễn thông, thủy lợi, khu, cụm công nghiệp. 

Tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa đầu tư, huy động tối đa các nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp. Mục tiêu sớm hoàn thành, đưa các công trình trọng điểm như chương trình đô thị miền núi phía Bắc - thành phố Yên Bái; công trình cầu Cổ Phúc, huyện Trấn Yên; các dự án giao thông kết nối đường Trạm Tấu - Bắc Yên; Khánh Hòa, huyện Lục Yên - Văn Yên; thị xã Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai… vào sử dụng, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới. 

Minh Thúy

Các tin khác
Giá vàng tăng vọt trong ngày đầu tháng 1/9.

Sáng nay (1/9), giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh, vàng SJC hiện niêm yết ở mức 56,55 – 57,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Có 15 hộ dân ở thôn Bản Bay, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ được hỗ trợ vốn nuôi dê phát triển kinh tế.

Từ đầu năm 2020, có 15 hộ ở thôn Bản Bay, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ được hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội Nông dân để thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản. Các mô hình đã bước đầu phát triển tốt.

Nghề nuôi cá lồng được phát triển khá nhanh trên các hồ lớn ở một số địa phương tỉnh Yên Bái.

Vài năm gần đây, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích nhân dân khai thác, phát triển chăn nuôi thủy sản (CNTS) theo hướng bán thâm canh, thâm canh. Nông dân trong tỉnh nói chung và vùng hồ Thác Bà nói riêng đã có bước chuyển căn bản từ khai thác tự nhiên sang CNTS.

Nông dân xã An Bình, huyện Văn Yên trao đổi kỹ thuật trồng tre măng Bát độ.

Từ năm 2018, huyện Văn Yên đã triển khai 7 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ 7 sản phẩm: rau, củ, quả an toàn; bưởi da xanh; măng tre Bát độ; sắn; quế; trà quế; cá tầm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục