Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công và tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản năm 2020 trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc giải phóng mặt bằng (GPMB) một số dự án chưa đáp ứng được tiến độ thi công như: dự án chợ Bến Đò; dự án đường nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; tiểu dự án bồi thường GPMB hạ tầng đô thị phía Nam thành phố Yên Bái.
Việc triển khai thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA vẫn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu do một số dự án chưa ký được hiệp định do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19; một số dự án đã được giao kế hoạch vốn năm 2020 nhưng chưa được Bộ Tài chính cấp vốn như: Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả tại 21 tỉnh; Dự án điện nông thôn giai đoạn 2018 - 2020 và dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc mới được cấp 33 tỷ đồng/kế hoạch 128 tỷ đồng; một số dự án ODA phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ đầu tư, điều chỉnh bổ sung dự án.
Riêng đối với Dự án Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả tại 21 tỉnh, do việc cấp vốn còn gặp khó khăn nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án.
Cùng đó, dự kiến nguồn vốn nước ngoài không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao khoảng 106,134 tỷ đồng, gồm: dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội các huyện nghèo tỉnh Yên Bái 61,104 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho Bệnh viện Đa khoa huyện Lục Yên và 10 phòng khám đa khoa khu vực tỉnh Yên Bái trên 3,8 tỷ đồng; Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái 20 tỷ đồng; Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả tỉnh Yên Bái 8,755 tỷ đồng; Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - thành phố Yên Bái 12,468 tỷ đồng.
Cùng đó, một số nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư tiến độ giải ngân chậm cũng đã ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung của toàn tỉnh như: vốn sự nghiệp thực hiện đề án đô thị thông minh 500 tỷ đồng; hỗ trợ thực hiện đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng và hộ nghèo đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Yên Bái 12,440 tỷ đồng.
Cùng với những khó khăn trên, hiện vấn đề giải ngân các nguồn vốn còn gặp khó khăn do nguồn thu xổ số kiến thiết chưa đáp ứng nhu cầu giải ngân các dự án. Mặt khác, theo quy định tại Thông tư 38/2019/TT-BTC ngày 28/6/2019 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, vốn xổ số kiến thiết phải bố trí bảo đảm cơ cấu tối thiểu 60% cho các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề và lĩnh vực y tế; bố trí tối thiểu 10% dự toán thu từ hoạt động xổ số kiến thiết để bổ sung cho các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Sau khi bố trí vốn đảm bảo hoàn thành các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực trên, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được bố trí cho các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và các công trình quan trọng khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương. Do đó, việc điều chỉnh cơ cấu vốn của các dự án là rất khó khăn.
Hiện, các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục có nhu cầu giải ngân là như nhau nên không thể điều chuyển nguồn vốn này. Nguồn vốn ứng trước thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững do chưa được Bộ Tài chính xử lý về thủ tục nên việc thu hồi chưa được thực hiện, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân của các đơn vị. Cụ thể, huyện Mù Cang Chải 9,2 tỷ đồng và Trạm Tấu trên 7 tỷ đồng.
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, còn có nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) hiện nay là do yếu tố chủ quan, nhất là tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện như: việc GPMB chưa được giải quyết dứt điểm; lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công còn chậm...; một số đơn vị chủ đầu tư còn tình trạng ưu tiên, để dành vốn giải ngân cho các đơn vị nhà thầu chưa có khối lượng, không thực hiện giải ngân cho các đơn vị nhà thầu đã có đủ khối lượng hoàn thành còn thiếu vốn; một số chủ đầu tư chưa chủ động, chưa quyết liệt giải ngân các phần công việc đã triển khai hoàn thành, có đủ điều kiện giải ngân.
Đối với nguồn vốn kéo dài, bao gồm cả vốn nước ngoài, dự phòng ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh theo quy định tại Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ, thời hạn giải ngân các nguồn vốn kéo dài đến hết 31/8/2020. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ giải ngân đạt 67,6%; số còn lại tiếp tục giải ngân đến hết 31/8/2020 là 145.442 triệu đồng.
Tại Hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn ĐTC, Thủ tướng Chính phủ đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020. Thủ tướng yêu cầu phải phấn đấu giải ngân hết số vốn ĐTC được giao kế hoạch năm 2020 (kể cả số vốn các năm trước chuyển sang). Kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi.
Hồng Duyên