Theo đó, huyện đã tranh thủ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án để hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong đó, Dự án Kopia (Phát triển nông thôn mới (NTM) thông qua thiết lập mô hình mẫu để nâng cao giá trị gia tăng cho dâu tằm tơ) là một trong những dự án đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.
Hộ chị Nguyễn Thị Yên - hộ đầu tiên đưa cây dâu tằm về phát triển kinh tế ở thôn Bồ, xã Chấn Thịnh. Những năm trước, do chưa chủ động con giống nên chị chỉ nuôi quy mô nhỏ.
Năm 2019, được Dự án Kopia hỗ trợ kỹ thuật, vốn, chị trồng thêm 600 m2 dâu và mở rộng nhà nuôi tằm. Để chủ động tằm giống, chị xây dựng một nhà để ươm. Được hướng dẫn kỹ thuật từ Dự án, sự chủ động con giống nên các lứa tằm được nuôi gối nhau và cho sản lượng cao kén hơn.
Chị Yên cho biết: "Dù đã học tập kinh nghiệm trồng dâu ở huyện bạn, nhưng do chưa có điều kiện nên tôi chỉ làm ít một theo kiểu truyền thống. Mặt khác, thời tiết mùa đông lạnh, lại không chủ động nguồn giống nên tôi chỉ nuôi tằm trong 6 tháng. Nay được hướng dẫn kỹ thuật, cùng trang thiết bị tiên tiến để trồng dâu, nuôi tằm (TDNT) tôi thấy hiệu quả hơn hẳn. Việc cân bằng thức ăn với số lượng tằm trong mỗi giai đoạn cũng như kỹ thuật lấy kén bằng né ô vuông giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, nguồn giống được chủ động, giúp tôi và bà con mở rộng quy mô nuôi tằm”.
Anh Lò Văn Phúc, cùng xã bắt tay vào TDNT còn rất nhiều bỡ ngỡ, bởi đây là loại cây trồng, vật nuôi mới. Tuy nhiên, được sự động viên của lãnh đạo xã, sự giúp đỡ của Dự án Kopia, anh Phúc dần dần cải tạo nhà nuôi, mở rộng trồng dâu để đảm bảo thức ăn cho gần 30 vòng tằm. Áp dụng kỹ thuật nuôi tằm dưới nền nhà, cộng với diện tích dâu gần nhà, giúp anh tiết kiệm nhân công chăm sóc. Cùng đó, anh còn được hỗ trợ 5 bộ né 1 khoang, giúp anh rút ngắn thời gian thu hoạch, nâng cao chất lượng, sản lượng kén tằm.
Anh Phúc cho biết: "Dùng né một khoang rất tiện bởi có thể chủ động cho lượng tằm làm kén trên khoang. Việc lấy kén dễ dàng, giảm thời gian và kén tằm sạch sẽ nên chất lượng, sản lượng đều tăng so với né thủ công”.
Việc phát triển TDNT được nông dân Chấn Thịnh đưa về gần chục năm nay. Tuy nhiên, do chưa có truyền thống sản xuất lại thiếu kiến thức, vốn nên nhiều hộ chưa mạnh dạn chuyển đổi. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã vận động nhân dân tận dụng đất soi bãi, đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang TDNT. Với mục tiêu đến năm 2025 nâng diện tích dâu lên 120 ha, xã tích cực vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mở rộng TDNT.
Được sự hỗ trợ của Dự án Kopia, từ năm 2019 đến nay, phong trào TDNT ở đây đã phát triển mạnh. Từ đầu năm 2020 đến nay, xã đã trồng mới trên 30 ha dâu, nâng diện tích lên 60 ha với trên 100 hộ tham gia.
Ông Hoàng Quý Kiệt - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Thực hiện mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu và chương trình mỗi xã một sản phẩm, xã xác định dâu tằm là cây chủ lực phát triển kinh tế. Vì vậy, cùng với động viên nhân dân mở rộng TDNT, chúng tôi tranh thủ các chương trình, dự án hỗ trợ nhân dân phát triển nghề dâu tằm tơ. Theo đó, với sự giúp đỡ của Dự án Kopia, người dân đã, đang tiếp cận được nhiều kiến thức mới, được hỗ trợ để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất”.
Với mục tiêu giúp các địa phương đẩy mạnh phát triển NTM thông qua thiết lập mô hình mẫu để nâng cao giá trị gia tăng cho nghề dâu tằm tơ, năm 2019 Dự án Kopia được triển khai tại xã Chấn Thịnh, Đồng Khê và thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn. Tham gia Dự án, các hộ được đầu tư cây giống, tằm giống, trang bị hệ thống né làm kén và lấy kén hiện đại.
Ngoài ra, Dự án còn chuyển giao khoa học, kỹ thuật mới về TDNT, hướng dẫn các phương pháp nuôi tằm cho sản lượng tơ cao và chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương. Dự án cũng chuyển giao khoa học, kỹ thuật mới ươm, nuôi tằm con cho các địa phương, xây dựng nhà nuôi tằm giống giúp nhân dân chủ động về nguồn giống, chủ động mở rộng quy mô sản xuất.
Ông Lê Hồng Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương cho biết: "Dù Dự án mới vừa khởi động, nhưng hơn một năm qua, chúng tôi đã khảo nghiệm, nghiên cứu triển khai chương trình hỗ trợ nhân dân. Có thể thấy, Văn Chấn có nhiều tiềm năng về phát triển dâu tằm tơ; tuy nhiên, người dân chưa có truyền thống, kinh nghiệm sản xuất nên còn chưa thực sự mạnh dạn đầu tư. Trên cơ sở những khó khăn, hạn chế trong TDNT của nông dân, chúng tôi sẽ nỗ lực hướng dẫn bà con những kỹ thuật nuôi tằm mới một cách khoa học, bài bản. Đồng thời, giúp thiết lập chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất giống đến nuôi trồng, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả các mô hình, Dự án Kopia đang tăng cường phối hợp với các xã vùng Dự án; cử cán bộ thường xuyên bám sát địa bàn giúp đỡ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần giúp các xã đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao...
Ngọc Sơn