Với quyết tâm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tín dụng, tạo nguồn lực cho các mục tiêu phát triển kinh tế, những tháng cuối năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Nắm bắt nhu cầu chi tiêu của người dân trong các tháng cuối năm, nhất là dịp giáp tết tăng mạnh, nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay cuối năm để kích thích thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Theo thông lệ, nhu cầu tiếp cận vốn vay tiêu dùng trả góp trung, dài hạn hay vay vốn ngắn hạn để sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ sẽ tăng cao khoảng 40 - 60% so với các tháng trong năm.
Để kích cầu vốn vay, các ngân hàng giao chỉ tiêu đến từng cán bộ, nhân viên; nâng cao chất lượng dịch vụ; mở rộng mạng lưới hoạt động; đổi mới chính sách chăm sóc khách hàng; cải cách hành chính; giải ngân nhanh chóng...
Ông Trần Văn Hiếu - Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh huyện Văn Yên cho biết: đến 31/10/2020, tổng nguồn vốn huy động của Agribank Chi nhánh huyện Văn Yên đạt 914,29 tỷ đồng, tăng 99,03%, tỷ lệ tăng 12,19% so với đầu năm. Tổng dư nợ 1.735,57 tỷ đồng, tăng 187 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 11,04% so với đầu năm, số nợ quá hạn là 2,18 tỷ đồng, chiếm 0,13% tổng dư nợ.
Thực hiện các chính sách tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Agribank Chi nhánh huyện Văn Yên đã kịp thời tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Ngân hàng Nhà nước, của Agribank đến các khách hàng; thường xuyên chủ động nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đánh giá mức độ ảnh hưởng của khách hàng vay vốn để áp dụng các chính sách hỗ trợ kịp thời.
Cùng đó, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cá nhân để kích thích thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đây cũng là một trong ba động lực tăng trưởng kinh tế đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến khích đẩy mạnh trong bối cảnh hiện nay.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái, thị trường tiền tệ trên địa bàn tiếp tục ổn định, không có biến động bất thường; các chi nhánh ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn chấp hành nghiêm túc các quy định về lãi suất, thực hiện giảm lãi suất theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hội sở chính. Tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng và QTDND trên địa bàn năm 2020 ước đạt 29.100 tỷ đồng, tăng 8,5% (năm 2019 tăng 13,36%); trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 19.765 tỷ đồng, tăng 11,70% (năm 2019 tăng 11,52%), chiếm 67,9% tổng nguồn vốn.
Tuy nhiên, đối với tiền gửi tiết kiệm sẽ tăng cao hơn năm 2019, ước tăng 13,32% (năm 2019 tăng 11,32%). Tốc độ tăng trưởng tổng nguồn vốn thấp hơn so với năm 2019 (chỉ bằng gần 2/3) là do tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới nguồn tiền gửi của các tổ chức kinh tế là pháp nhân (năm 2020 chỉ tăng có 0,66%, năm 2019 tăng 36,9%). Dư nợ cho vay của các chi nhánh ngân hàng và QTDND năm 2020 đạt 25.350 tỷ đồng, tăng 8,12% (mục tiêu đề ra tăng từ 8% đến 10%).
Tình hình thanh khoản của các chi nhánh ngân hàng, QTDND rất tốt, có khả năng đáp ứng tốt và kịp thời nhu cầu vay vốn và thanh toán của khách hàng; chấp hành tốt tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đến hết tháng 10/2020 đạt 3.579 tỷ đồng, chiếm 14,78% tổng dư nợ, giảm 10,79% so với 31/12/2019 và ước đến hết 31/12/2020, dư nợ đạt 3.780 tỷ đồng.
Khả năng tiếp cận vốn tín dụng chương trình cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) còn thấp (295/2.344 doanh nghiệp, tỷ lệ 12,6%) nguyên nhân từ phía khách hàng như: thiếu tài sản đảm bảo, hạn chế về quy mô và nguồn vốn, nhiều DNVVN vẫn áp dụng công nghệ lạc hậu, trình độ quản trị kém, năng suất lao động thấp; mức độ minh bạch thông tin của DNVVN chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra và đặc biệt là các thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh của các DNVVN.
Vì vậy, thiếu cơ sở cho các chi nhánh ngân hàng đánh giá, thẩm định hồ sơ vay vốn của các DNVVN. Cùng đó, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khó khăn trong xuất khẩu, lưu thông hàng hóa nên nhu cầu sử dụng vốn ngân hàng giảm so với các năm trước.
Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch kinh doanh, các ngân hàng cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ hạn mức dư nợ hợp lý. Chủ động phân tích tình hình thực tế để áp dụng các biện pháp điều hành linh hoạt, bảo đảm phát triển an toàn, bền vững. Tập trung tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch được giao gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, quản lý khoản vay, tiếp tục áp dụng linh hoạt lãi suất cho vay nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Quang Thiều