Năm 2020, tác động của dịch COVID-19, lũ lụt kéo dài ở miền Trung… đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tiêu thụ nông sản và sản xuất trong nước. Tuy nhiên, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định thị trường sẽ đảm bảo cân đối cung-cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt lương thực và thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2021.
Cân đối cung-cầu, không để thiếu hụt thực phẩm
Ông Trần Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết các doanh nghiệp ngành nông nghiệp đã cân đối sản xuất các mặt hàng tương đương giai đoạn quý I/2020, đảm bảo nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm Tết Tân Sửu 2021.
Cụ thể, sản xuất lúa gạo đạt khoảng 43,13 triệu tấn trong năm 2020, trong khi nhu cầu tiêu thụ thóc trong nước khoảng 30 triệu tấn. Lượng gạo xuất khẩu trong năm đạt từ 6,5-6,7 triệu tấn gạo (tương đương 13-13,5 triệu tấn thóc).
Bên cạnh đó, tình hình chăn nuôi trên cả nước trong 10 tháng năm 2020 phát triển khá tốt do cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Giá trị sản xuất chăn nuôi 10 tháng đầu năm tăng khoảng 4-4,5%, ước cả năm 2020 tăng khoảng 5-6% so với năm 2019, do tốc độ tăng trưởng chăn nuôi quý IV/2020 đang có chiều hướng tăng cao.
Đáng chú ý, mặt hàng thịt lợn tiếp tục trên đà hồi phục, đáp ứng ổn định nhu cầu tiêu dùng của người dân. Sản lượng thịt lợn hơi cả năm dự kiến đạt gần 3,5 triệu tấn, tăng 3,9% so với năm 2019. Dự kiến từ nay đến hết năm 2020, đặc biệt vào dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2021, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt một số sản phẩm như thịt, trứng…, sẽ tăng từ 5-10%.
"Với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, việc tái đàn lợn đạt kết quả tốt và tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, về cơ bản, thị trường nông nghiệp sẽ ổn định, cân đối cung-cầu, đảm bảo không bị thiếu hụt thực phẩm”, ông Trần Quốc Toản nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Quốc Toản, do hậu quả của đợt bão lũ ở miền Trung vừa qua, có thể việc phục hồi đàn vật nuôi tại một số điểm sẽ gặp khó khăn và triển khai chậm. Cùng với đó, việc vận chuyển giữa các vùng, khu vực gặp nhiều khó khăn nên một số nơi có thể thiếu cục bộ các mặt hàng.
Tương tự, đối với mặt hàng rau quả, do thời tiết diễn biến bất thường, đặc biệt tại khu vực miền Trung, nên có thể ảnh hưởng đến thị trường cả nước. Theo đó, giá rau xanh có thể tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Riêng 11 tháng của năm 2020, diện tích rau cả nước sản xuất khoảng 900.000 ha, sản lượng đạt khoảng 16,2 triệu tấn.
Quan tâm đến nguồn thực phẩm sạch, an toàn
Theo dự báo của Bộ Công Thương, sức mua thị trên thị trường dự báo tăng từ 15-20%, trong đó tập trung vào các mặt hàng lượng lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, trong những năm gần đây, người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các hàng hóa chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản cần tập trung vào các yếu tố này.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh mặc dù nguồn cung thực phẩm được dự báo ổn định nhưng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến việc cung ứng đủ sản phẩm thực phẩm mà còn cần quan tâm đến nguồn thực phẩm sạch, an toàn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đề nghị ngành công thương, các địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2021.
Trong thời gian từ nay tới Tết Nguyên đán, bộ sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm nhằm phát hiện và có các biện pháp xử phạt các cá nhân, tổ chức, công ty tiêu thụ các loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, việc xây dựng những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cũng là giải pháp để đảm bảo chất lượng thực phẩm phục vụ người dân. Theo ông Phùng Đức Tiến-Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, bộ đã khuyến khích và có nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng những chuỗi thực phẩm an toàn. Từ con giống, cây giống, vật tư đầu vào, phân bón hoá chất, thuốc và quy trình chăm sóc nuôi dưỡng đều được kiểm soát rất chặt chẽ. Khi thu hoạch, giết mổ, chế biến đều được lấy mẫu, kiểm tra thương xuyên.
"Chúng ta đang có 1.644 chuỗi, hơn 3.000 cơ sở cấp bán hàng với hơn 1.300 sản phẩm. Qua kiểm tra vào đợt cao điểm sản xuất thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong hệ thống chuỗi sản xuất an toàn này đều có dự trù sản lượng cho Tết Nguyên Đán tăng trên 10% để phục vụ nhu cầu tăng cao của người dân.” Thứ trưởng Tiến nói.
Ngoài tăng cường sản xuất và kiểm soát chất lượng, kiểm soát dịch bệnh cũng là một vấn đề được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, đặc biệt là trong điều kiện quy mô lớn, mật độ đông, thương mại nhiều, đi lại nhiều vào tháng cuối năm.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm rằng các dịch bệnh như tai xanh, cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi... thời gian qua đã giảm rất nhiều so với các năm trước. Đây là một yếu tố quan trọng để đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá thực phẩm trên thị trường.
(Theo Vietnam+)