SỨC BẬT "TAM NÔNG"
Yên Bái là tỉnh miền núi với 3/4 diện tích sản xuất nông lâm nghiệp, 80% dân số, 70% lao động ở khu vực nông thôn. Những năm qua, tỉnh luôn xác định sản xuất nông lâm nghiệp là trụ cột của nền kinh tế, động lực quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Do đó, tỉnh luôn quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng đảm bảo an ninh lương thực ở vùng đặc biệt khó khăn, phát triển sản xuất hàng hóa tập trung nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đinh Đăng Luận cho biết: Tỉnh đã xây dựng được hệ thống các đề án, quy hoạch chính sách, quy hoạch ngành, sản phẩm, quy hoạch nông thôn mới (NTM) gắn với ban hành bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM gồm 35 đề án, chính sách.
Nổi bật là tỉnh đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là đầu tư phát triển những sản phẩm chủ lực của tỉnh có lợi thế, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh; đồng thời, ban hành các cơ chế chính sách tạo điều kiện hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Các quy hoạch đề án chính sách sau khi được ban hành và triển khai đã nhanh chóng đi vào cuộc sống nhận được sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền và bà con nông dân.
Nhờ đó, sau 5 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay, tỉnh Yên Bái hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, chuyên canh có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm: vùng lúa chất lượng cao 3.000 ha, vùng trồng dâu nuôi tằm gần 900 ha, vùng cây ăn quả có múi trên 5.000 ha, vùng quế 78.000 ha, vùng măng tre bát độ gần 5.000 ha, vùng sơn tra trên 9.200 ha, rừng trồng gỗ nguyên liệu 90.000 ha...
Cùng với đó, Yên Bái đã xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng, có thương hiệu, gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ như: cam sành Lục Yên, bưởi Đại Minh, chè Suối Giàng, gạo nếp Tú Lệ, gạo Mường Lò, cá hồ Thác Bà…
Đến nay, toàn tỉnh thực hiện được 31 dự án liên kết theo chuỗi giá trị. Các hợp tác xã, tổ hợp tác tổ chức lại và thành lập mới hoạt động hiệu quả, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tỉnh tích cực triển khai đến từng địa phương.
Năm 2020, toàn tỉnh thực hiện tiêu chuẩn hóa 86 sản phẩm OCOP. Đến nay, nhiều mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao, đóng góp đến 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh với 30 - 40 triệu USD/năm.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, đặc biệt năm 2020, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu nhưng tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 4,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (3%/năm).
Trong đó, riêng năm 2020 tốc độ tăng trưởng đạt 4,62%; tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 22% trong cơ cấu GRDP của tỉnh Yên Bái. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt bình quân đạt 65 triệu đồng/ha/năm; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2020 đạt 200 triệu đồng/ha/năm.
Nông nghiệp phát triển, bức tranh nông thôn thêm phần khởi sắc. Những ngày cuối năm đến các xã NTM của tỉnh, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt trong diện mạo thôn quê.
Ông Lương Hữu Quyết, thôn Làng Đát, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình phấn khởi: "Nhờ phong trào xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp, kinh tế phát triển nhanh, đời sống bà con khấm khá hẳn lên. Vui hơn cả, là đường làng mở rộng khang trang, cảnh quan môi trường sáng - xanh, các cháu học sinh được học trong những ngôi trường mới tiện nghi”.
Ông Nhâm Xuân Trường - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Với sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, sự đầu tư nguồn lực đúng trọng tâm, trọng điểm Chương trình xây dựng NTM đã đạt được những kết quả tích cực.
Tính riêng năm 2020, toàn tỉnh có thêm 12 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của toàn tỉnh lên 76/150 xã, chiếm 50,07% tổng số xã. Đặc biệt, huyện Trấn Yên đã được công nhận đạt chuẩn NTM, thành phố Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Diện mạo nông thôn đang thay đổi xanh sạch đẹp, hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh. Tất cả những hoạt động tích cực trong xây dựng NTM đã thực sự trở thành nét đẹp đang lan tỏa tới nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Dấu ấn đậm nét là hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn ngày càng được đầu tư một cách đồng bộ. Với phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, từ năm 2016 - 2019, toàn tỉnh đã kiên cố hóa 1.106 km mặt đường bê tông; mở mới 196 km đường đất; xây dựng 1.483 công trình thoát nước với tổng kinh phí thực hiện trên 1.545 tỷ đồng, trong đó đã huy động nhân dân đóng góp là 240,23 tỷ đồng.
Riêng năm 2020 này, toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành bê tông hóa tối thiểu 306 km đường giao thông nông thôn. Chương trình kiên cố hóa hệ thống kênh mương đã được quan tâm đầu tư đáp ứng tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ dân sinh. Hệ thống chợ, dịch vụ thương mại, hệ thống điện chiếu sáng, cấp nước, thông tin liên lạc đã từng bước đầu tư đồng bộ.
Song song với việc đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, thời gian qua, tỉnh cũng đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng xã hội. Giáo dục và đào tạo tiếp tục được tập trung đầu tư để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, mạng lưới trường, lớp học được mở rộng, cơ sở vật chất trường học được nâng lên đáng kể.
Đến nay, toàn tỉnh có 225 trường đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế cơ sở, ngoài công trình chính về khám và điều trị, nhiều hạng mục khác được đầu tư.
Việc nâng cấp xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm thêm trang thiết bị cho các trạm y tế xã và đào tạo nguồn nhân lực y tế cơ sở đã góp phần nâng cao chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. Đời sống vật chất tinh thần của cư dân nông thôn không ngừng được cải thiện, đến nay, thu nhập bình quân ước đạt 32 triệu đồng/người/năm.
Với những thành quả đạt được, định hướng của ngành nông nghiệp trong thời gian tới là tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh, nhóm sản phẩm chủ lực của các huyện theo Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”.
Xây dựng, phát triển vùng chuyên canh hàng hóa, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm; kết nối sản xuất với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng NTM, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường.
Văn Thông
NỖ LỰC CỦA VĂN YÊN
Đến Văn Yên hôm nay, chúng tôi cảm nhận rõ sự thay đổi diện mạo của những vùng đất này. Những con đường liên thôn, liên xóm, nội đồng được kiên cố hóa, rực sắc hoa...
Trở lại Lâm Giang, bộ mặt nông thôn thay đổi nhờ thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Ông Vũ Văn Hải - Bí thư Đảng ủy xã Lâm Giang cho biết: "Năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xã mới đạt 5/19 tiêu chí. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang tính dài hạn, xã đã tập trung mọi nguồn lực để quyết tâm thực hiện. Năm 2019, xã đã hoàn thành và ra mắt xã NTM”.
Đến nay, xã xây dựng, duy trì được 44 mô hình chăn nuôi; trong đó có 25 mô hình chăn nuôi trâu từ 10 con trở lên 7 mô hình nuôi lợn thịt số lượng từ 35 con trở lên; 6 mô hình chăn nuôi lợn nái từ 10 con trở lên; 11 mô hình nuôi ong mật; 4 mô hình chăn nuôi dê số lượng từ 30 con trở lên...
Kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân cải thiện rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 37 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,1%...
Bê tông hóa đường giao thông nông thôn ở Phong Dụ Thượng.
Mười năm trước, khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện Văn Yên gặp rất nhiều khó khăn. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân cùng nhiều cách làm sáng tạo, đến nay, bộ mặt nông thôn Văn Yên có nhiều khởi sắc.
Hết năm 2020, toàn huyện có 12/24 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 50% tổng số xã toàn huyện; trong đó, nhiều tiêu chí đạt tỷ lệ cao. Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư một cách đồng bộ, hiệu quả.
Giai đoạn 2011 - 2020, toàn huyện đã huy động trên 1.500 tỷ đồng xây dựng NTM; trong đó, ngân sách Nhà nước trên 700 tỷ đồng, còn lại do các nguồn vốn tín dụng, doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân đóng góp.
Từ nguồn vốn này, huyện ưu tiên đầu tư xây dựng mới, nâng cấp kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống người dân. Đến nay, các tuyến đường huyện rải nhựa gần 108 km, bê tông gần 50 km; đường trục xã, liên xã đã được rải nhựa 6,5 km, bê tông trên 94 km; đường trục thôn, liên thôn rải nhựa trên 2 km, bê tông trên 155 km; đường ngõ xóm rải nhựa gần 4 km, bê tông trên 84 km.
Từ năm 2011 đến năm 2020, huyện đã làm mới trên 486 km đường; nâng cấp cải tạo trên 419 km đường; xây dựng mới 4 vị trí cầu; cải tạo 23 vị trí cầu; xây dựng mới 603 cống, ngầm tràn các loại.
Giai đoạn 2011 - 2020, huyện đã tạo việc làm cho gần 26.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, đạt 97,3%, tăng 5,4% so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Đến nay, huyện Văn Yên hình thành các vùng chuyên canh như: vùng quế trên 50.000 ha, vùng sắn trên 4.500 ha, vùng thâm canh lúa chất lượng cao 1.000 ha cho giá trị sản xuất đạt trên 120 triệu đồng/ha; vùng chuyên canh ngô với tổng diện tích gần 6.000 ha/năm (trong đó có 1.000 ha ngô đông trên đất hai vụ lúa), vùng trồng cây ăn quả trên 200 ha, vùng cây nguyên liệu giấy 12.500 ha.
Chăn nuôi từng bước chuyển đổi từ nhỏ lẻ sang hàng hóa, phát triển được các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn.
Ông Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Văn Yên đạt huyện NTM, ngoài việc phấn đấu nâng cao hơn nữa các tiêu chí NTM của 12 xã đạt chuẩn NTM, huyện cũng chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị đẩy nhanh tiến độ đối với 12 xã chưa hoàn thành.
Đồng thời, huyện cũng đề ra nhiều giải pháp tạo đột phá mới theo hướng phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; thu hút nguồn lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp, đảm bảo xây dựng NTM trở thành quá trình thường xuyên, liên tục; phấn đấu 100% các xã trên địa bàn huyện có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý”.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở Văn Yên đã có bước chuyển biến rõ nét. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm trên 6%, hiện nay, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 toàn huyện đạt trên 38 triệu đồng/người/năm, tăng 2,6 lần so với năm 2010. Những kết quả này sẽ là tiền đề quan trọng để Văn Yên đẩy nhanh tiến trình hoàn thành huyện NTM theo đúng kế hoạch đề ra.
Thanh Tân
OCOP Ở YÊN BÌNH
Các sản phẩm OCOP đang được huyện Yên Bình và các chủ thể tăng cường thực hiện, kết nối, tiêu thụ bằng nhiều giải pháp, nhằm tiếp cận các kênh bán hàng, người tiêu dùng để nâng cao sức cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Được thành lập từ tháng 8/2020, Hợp tác xã (HTX) Yên Bình tại tổ 7, thị trấn Yên Bình đã và đang phát triển một số sản phẩm nông sản đặc sản như: cá sấy hồ Thác Bà, thịt lợn, thịt trâu sấy để cung cấp ra thị trường và có mặt tại một số cửa hàng OCOP ở trong và ngoài tỉnh.
Được khai thác từ nguồn cá tự nhiên trên hồ Thác Bà, kết hợp với cách chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói theo đúng quy cách và sử dụng tiện lợi, sản phẩm cá mương sấy do HTX sản xuất đã đạt tiêu chuẩn OCOP cấp huyện.
Sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng Bảo Ngọc - Làng Ven thu hút nhiều du khách.
Bà Hoàng Thị Chinh - Giám đốc HTX Yên Bình chia sẻ: Với trên 10.000 tấn cá đánh bắt trên hồ Thác Bà mỗi năm nên HTX đã tập hợp các hộ, nhóm hộ để liên kết đánh bắt khoảng 500 kg cá mương trong năm 2020. Sản phẩm cá mương sấy sẽ được chế biến, cung cấp ra thị trường định kỳ hàng tuần, hàng tháng; hướng tới khách hàng cả nước.
"HTX đã xây dựng các khu vực tiếp nhận nhiên liệu, sản xuất, đóng gói, kho bảo quản thành phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời, xây dựng kế hoạch tiếp thị sản phẩm ở các hội chợ thương mại, các chương trình xúc tiến thương mại" - bà Chinh nói.
Thời gian tới, HTX sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp đào tạo, tập huấn về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà, hướng tới vùng khai thác đúng quy trình kỹ thuật, bảo vệ môi trường và đầu tư máy móc phục vụ chế biến, bảo quản sản phẩm; hướng mở rộng quy mô sản xuất lên 2.000 kg cá mương trong năm 2022.
HTX Thực phẩm sạch và Du lịch Bảo Ngọc thực hiện sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng Bảo Ngọc, Làng Ven, thôn Suối Hốc, xã Ngọc Chấn. Với ý tưởng về mô hình sinh kế bền vững, tạo việc làm cho người dân, HTX đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện vận động các hộ dân tích cực tham gia.
Ông Triệu Văn Nội - Giám đốc HTX Thực phẩm sạch và Du lịch Bảo Ngọc chia sẻ: "Qua hướng dẫn, người dân đã xây dựng quy ước cộng đồng về việc tiếp đón du khách văn minh, lịch sự; giữ gìn vệ sinh môi trường. Hiện mô hình được triển khai tại 2 homestay của gia đình các ông Đặng Tiến Bình và Trịnh Văn Sơn với đầy đủ dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống, du lịch mạo hiểm, trải nghiệm”.
Sau 10 tháng đi vào hoạt động, các mô hình homestay ở Suối Hốc đã thu hút hơn 2.000 lượt khách tới tham quan, nghỉ dưỡng; tạo việc làm cho 70 thành viên trong 25 hộ trực tiếp tham gia. Tổng thu nhập từ du lịch đạt gần 350 triệu đồng, trung bình 14 triệu đồng/hộ/năm.
Ông Phạm Đức Huy - Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện chia sẻ: "Các sản phẩm du lịch cộng đồng Bảo Ngọc - Làng Ven hướng tới đạt chuẩn OCOP đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, trong đó ý thức cộng đồng trong việc bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường, sử dụng nguồn năng lượng sẽ tốt hơn. Ngoài ra, các sản phẩm du lịch đã nhiều du khách biết đến".
Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, các xã ở huyện Yên Bình đều đã đăng ký xây dựng ít nhất một sản phẩm OCOP; trong đó, ưu tiên những sản phẩm chủ lực, thế mạnh của từng địa phương.
Đến nay, huyện đã có sản phẩm bưởi Đại Minh đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 4 sao và đang trình 9 sản phẩm OCOP hạng 3 sao gồm: chè xanh, chè túi lọc Hương Lý của HTX Chế biến chè Hương Lý; măng chua, măng khô Thác Bà của Công ty cổ phần Yên Thành; gạo Bạch Hà của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bạch Hà; cá rô sấy và cá mương sấy của HTX Chế biến nông sản Tây Bắc - Hiền Vinh; cá mương sấy của HTX Yên Bình và du lịch cộng đồng Bảo Ngọc - Làng Ven của HTX Thực phẩm sạch và Du lịch Bảo Ngọc.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã hình thành vùng sản xuất tập trung như: vùng cây ăn quả có múi trên 1.100 ha; gạo Bạch Hà 154 ha; quế 1.000 ha; thủy sản với trên 2.000 lồng cá; xây dựng các chuỗi giá trị như: bưởi Đại Minh; cá trê hồ Thác Bà; gỗ bạch đàn, bồ đề và phụ phẩm gỗ keo; cây dược liệu...
Ông Phạm Thành Đạt - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu cho huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nghiên cứu, ban hành các chính sách để hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP; khảo sát, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm mới, nâng cấp các sản phẩm đã có, tư vấn hoàn thiện về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, nhãn mác, bao bì, hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng để hướng tới có thêm 6 sản phẩm OCOP vào năm 2021”.
Hoài Văn