Tại Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, không khí lao động rộn ràng khắp các phân xưởng. Là đơn vị hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất và kinh doanh các loại sứ cách điện, sứ kỹ thuật, hiện nay, sản phẩm sứ cách điện của Công ty đang được sử dụng tại khắp các tỉnh, thành của Việt Nam và xuất khẩu ra các nước trên thế giới…
Dẫn chúng tôi đi tham quan nhà máy, ông Nguyễn Thanh Hà - Tổng Giám đốc Công ty cho biết: "Năm 2020, được đánh giá là năm gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, giá vận tải, nguyên vật liệu tăng cao, hàng xuất khẩu đi nước ngoài tụt giảm. Tuy nhiên, Công ty vẫn đạt đà tăng trưởng cao, sản xuất và tiêu thụ trên 3.600 tấn sản phẩm, doanh thu đạt 119 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch và tăng 11% so với cùng kỳ, nộp ngân sách Nhà nước 30 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt 8 triệu đồng/người/năm”.
Trong năm 2020, việc thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 làm hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực gặp khó khăn. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong tỉnh năng lực quản lý, năng suất lao động và sức cạnh tranh còn hạn chế; bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng trên đàn gia súc xảy ra ở một số địa phương; dông, lốc kèm theo mưa đá... làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất và đời sống của nhân dân.
Trước những diễn biến bất lợi trên, ngành công thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu từng địa bàn, từng sản phẩm, từng nhóm hàng; tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất điện, khai thác, chế biến khoáng sản, nông - lâm sản…
Ông Vũ Vinh Quang - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, ngành công thương đã tham mưu với UBND tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; vận động doanh nghiệp nỗ lực huy động vốn, mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm mở rộng các thị trường xuất khẩu mới; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư sớm đi vào sản xuất; phát huy tối đa công suất thiết kế, nhất là các dự án về thủy điện, chế biến gỗ, chế biến khoáng sản.
Rà soát các dự án đầu tư thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý, nhất là các dự án thủy điện như: Thác Cá 2, Đồng Sung sớm đi vào hoạt động; thúc đẩy các hoạt động về xúc tiến thương mại và thương mại điện tử, đặc biệt là tổ chức hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu trong nước và các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi...
Nhờ vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp của nhiều doanh nghiệp từng bước hồi phục, duy trì và phát triển, góp phần giúp sản xuất công nghiệp của tỉnh chuyển biến khả quan.
Với sự quyết tâm khắc phục khó khăn của các địa phương, đơn vị sản xuất, kinh doanh nên hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định.
Tính chung cả năm, chỉ số công nghiệp toàn ngành tăng 8,09%, một số ngành sản xuất chính có chỉ số sản xuất tăng cao so với năm trước như: ngành khai thác đá các loại tăng 14,67%; chế biến thực phẩm tăng 12,0%; in ấn tăng 13,13%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 14,16%; sản xuất kim loại tăng 23,34%; sản xuất và phân phối điện tăng 19,92%...
Một số sản phẩm chính có chỉ số sản xuất cả năm tăng cao, đó là: đá xây dựng tăng 39,96%; tinh bột sắn tăng 31,88%; vỏ bào, dăm gỗ tăng 1,15 lần; bao bì bằng túi giấy tăng 28,92%; xi măng tăng 18,4%; bột đá tăng 21,89%; sản xuất kim loại tăng 23,34%; điện sản xuất tăng 22,88%...
Như vậy, giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2020 ước đạt 11.878,5 tỷ đồng, tăng 8,17% so với năm trước, nhưng lại giảm hơn mức tăng cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,9%) do ảnh hưởng từ những khó khăn chung của nền kinh tế trong năm 2020.
Để sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; trong đó, giữ vững thị trường tiêu thụ đã có, khai thác triệt để thị trường tiêu thụ nội địa và chủ động nắm bắt những cơ hội mới trong hoạt động sản xuất, các cấp, ngành cần có những giải pháp cụ thể khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, các hộ cá thể cho đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp.
Có biện pháp hiệu quả để khuyến khích, thu hút, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; có những định hướng và giải pháp cụ thể góp phần thúc đẩy công nghiệp phát triển nhanh hơn, bền vững hơn...
Nhìn lại một năm qua, ngành công thương Yên Bái đã khẳng định sự nỗ lực của ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Năm 2021, dự báo khó khăn còn rất lớn, nhưng với những kết quả đạt được trong năm qua, sẽ là điểm tựa để ngành công thương Yên Bái lại có một năm mới đi lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Quang Thiều