Để tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm, trong năm 2021 này, huyện sẽ đưa vào trồng mới trên 180 ha dâu. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngay những ngày đầu năm nông dân các xã trong vùng quy hoạch đã tấp nập ra đồng trồng dâu.
Đến nay, tuy chưa có một đánh giá, tổng kết cụ thể nào đối với tính hiệu quả các loại cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, nhưng từ thực tiễn có thể khẳng định, chương trình trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện Trấn Yên đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất cao.
Người dân tích cực mở rộng sản xuất, thu nhập ổn định và từng bước nâng cao khi bình quân 1 ha trồng dâu, nuôi tằm đạt từ 220 - 250 triệu đồng, cao hơn 2,5 - 3 lần so với sản xuất lúa.
Từ những héc-ta dâu trồng tự phát trên các dải đất soi bãi, hết năm 2020 toàn huyện đã có trên 615 ha, trong đó có 578 ha dâu kinh doanh. Vùng dâu, nuôi tằm được quy hoạch và thực hiện ở 10 xã, nhưng tập trung tại Việt Thành, Báo Đáp, Y Can, Tân Đồng…
Toàn huyện đã thành lập được 10 HTX và 97 tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm với trên 800 thành viên tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đáng chú ý là toàn bộ diện tích dâu đều được trồng bằng các giống dâu tiến bộ kỹ thuật cho năng suất và chất lượng cao phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cũng như trình độ thâm canh của người dân.
Cùng với vùng nguyên liệu, huyện còn hỗ trợ làm 10 nhà nuôi tằm đảm bảo tiêu chuẩn và ứng dụng nuôi tằm trên khay nhựa; xây mới và cải tạo 276 nhà nuôi tằm lớn theo tiêu chuẩn kỹ thuật, ứng dụng 1.100 bộ né gỗ ô vuông cho tằm lên kén, góp phần nâng cao chất lượng và thu nhập.
Năm 2020 vừa phát triển vùng dâu nguyên liệu, bà con vừa tập trung nuôi tằm theo kỹ thuật mới, năng suất, sản lượng kén đạt trên 700 tấn, giá trị thu lại trên 60 tỷ đồng. Cái vui hơn là nông dân Trấn Yên đang hướng đến sản xuất dâu tằm theo hướng hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn trong sản xuất.
Tiếp tục mở rộng sản xuất, năm 2021, huyện sẽ trồng mới trên 120 ha dâu, tập trung ở các xã trong vùng dự án. Để dâu phát triển và sinh trưởng tốt, huyện phấn đấu trồng trên 80% diện tích trong vụ xuân.
Trên cánh đồng thôn Bình Minh, xã Y Can, bà con đang tấp nập trồng dâu, ai ai cũng phấn khởi, tích cực; máy làm đất nổ rền vang, chạy băng băng lật đất đánh luống, đào băng.
Chủ tịch UBND xã Vũ Quốc Tiên phấn khởi chia sẻ: "Trồng dâu, nuôi tằm mang lại giá trị kinh tế cao gấp hai, ba lần làm lúa. Với 76 ha dâu, năm vừa qua đã mang về cho người dân Y Can gần 15 tỷ đồng. Vụ xuân này xã đăng ký trồng mới 18 ha dâu, chỉ sau 3 ngày ra quân, bà con đã trồng được trên 4 ha. Cứ đà này, từ nay đến tết Nguyên đán xã sẽ cơ bản trồng hết diện tích”.
Người dân Y Can trước đây chỉ quen với làm ruộng, trồng ngô, trồng rừng thì nay đã có 132 hộ dân tham gia trồng dâu, nuôi tằm và đã trở thành nghề. Xã có 33 tổ hợp tác liên kết trồng dâu, nuôi tằm, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm.
Dâu được trồng tập trung ở các thôn: Bình Minh, Quyết Tiến, Quyết Thắng, Thắng Lợi… Nhiều hộ trồng dâu, nuôi tằm cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm như hộ gia đình bà Hoàng Thị Thuận, ông Vi Triệu Văn trồng từ 15-20 sào dâu…
Chị Hoa ở thôn Bình Minh đang cùng gia đình trồng dâu phấn khởi cho biết: "Trồng dâu, nuôi tằm không đòi hỏi kỹ thuật cao, không mất nhiều công lao động nhưng đòi hỏi người làm phải rất cẩn thận, tỉ mẩn, thực hiện đúng quy trình. Vụ dâu năm 2020 gia đình thu về gần 200 triệu đồng từ trồng dâu, nuôi tằm. Vụ xuân này gia đình tiếp tục trồng 3 sào dâu”.
Dự án trồng dâu nuôi tằm đã mang lại giá trị kinh tế cao, minh chứng bởi chính những mùa dâu đã qua và đang tạo động lực mới cho nông dân Trấn Yên tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích và làm giàu từ cây dâu, con tằm.
Ngọc Trúc