Văn Chấn xuân về trên rừng quế

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/3/2021 | 1:52:27 PM

YênBái - Vào dịp xuân mới, gia đình ông Hoàng Xuân Lý ở thôn An Hợp, xã Minh An, huyện Văn Chấn có niềm vui lớn khi ngôi nhà 2 tầng rộng trên 300 m2 để sinh hoạt và làm du lịch homestay hoàn thành. Tất cả đều từ tiền tỉa thưa, bán cành, lá và vỏ quế. Mà không chỉ ông Lý có niềm vui...

Người dân huyện Văn Chấn thu hoạch quế.
Người dân huyện Văn Chấn thu hoạch quế.

Vào dịp xuân mới, gia đình ông Hoàng Xuân Lý ở thôn An Hợp, xã Minh An có niềm vui lớn khi ngôi nhà mơ ước bấy lâu hoàn thành. Vốn ấp ủ xây dựng mô hình du lịch sinh thái vườn quế, ngay từ khi còn là thầy giáo, ông Lý đã dành thời gian để khai hoang, vỡ đất trồng quế. Đất không phụ công người, đến nay, sau 30 năm trồng, chăm sóc, gia đình ông Lý có trên 5 ha quế, trong đó phần lớn trên 20 năm tuổi. 

Hiện, nhiều tư thương trả giá cả chục tỷ đồng nhưng ông không bán hết mà ý định để làm du lịch sinh thái. Năm 2020, gia đình ông chỉ tỉa thưa, bán cành, lá và vỏ quế đã thu về trên 300 triệu đồng. Cộng với số tiền tích góp được, gia đình ông đã xây dựng căn nhà 2 tầng rộng trên 300 m2 để sinh hoạt và làm du lịch homestay. 

Ông Lý chia sẻ: "Trải qua nhiều thăng trầm nhưng tôi thấy cây quế vẫn là cây trồng có giá trị cao, ổn định. Gia đình tôi sẽ cố gắng giữ gìn và phát triển vườn quế để làm mô hình du lịch sinh thái, thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng”.

Chung niềm vui với gia đình ông Lý, thu nhập của những rừng quế đã giúp hàng ngàn hộ đồng bào Dao, Mông ở Văn Chấn có đường bê tông, có nhà văn hóa. Năm qua, tuy ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng các sản phẩm từ quế đều tiêu thụ khá ổn định. 

Riêng giá quế vỏ đã tăng gấp đôi, trung bình từ 70.000 – 75.000 đồng/kg. Đặc biệt, các sản phẩm quế hữu cơ có giá trên 100.000 đồng/kg. Với khả năng tận thu được tất cả các sản phẩm, cây quế trở thành cây lâm nghiệp, cây dược liệu có giá trị bậc nhất. 

Ông Triệu Văn Lý - Trưởng thôn Vàng Ngần, xã Suối Quyền cho biết: "Thời gian vừa qua, nhờ có rừng quế, nhân dân trong thôn đã nhanh chóng khắc phục những thiệt hại nặng nề do bão lũ năm 2017. Đặc biệt, năm 2020, từ nguồn thu nhập của rừng quế, nhân dân đã đóng góp cùng Nhà nước làm trên 3 km đường giao thông trục chính của thôn và làm trên 2 km đường giao thông đặc thù vào các tuyến đường nhánh”.

Trước đây, cây quế ở Văn Chấn chỉ tập trung ở một số xã vùng cao khu vực đồng bào Dao và đồng bào Mông sinh sống. Nhưng hơn chục năm trở lại đây, cây quế trở thành cây trồng có giá trị cao, nhiều lợi ích nên  người dân ở khắp các xã, thị trấn lựa chọn để phát triển rừng. 

Đặc biệt, việc triển khai Đề án phát triển cây quế đã góp phần động viên nhân dân tích cực đầu tư, mở rộng diện tích quế. Chỉ tính riêng trong năm 2020, nhân dân trên địa bàn huyện đã trồng được trên 890 ha quế, nâng tổng diện tích quế toàn huyện lên trên 8.500 ha. 

Ông Vũ Đình Trường - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn cho biết: "Nắm bắt được nhu cầu phát triển cây quế của nhân dân, Hạt Kiểm lâm huyện đã chủ động tham mưu với UBND huyện mở rộng đề án phát triển cây quế. Hạt đã phối hợp, liên kết với một số đơn vị chuẩn bị nguồn giống quế đảm bảo chất lượng; đồng thời, cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn các xã, thị trấn quy hoạch, hướng dẫn nhân dân phát triển các diện tích quế hiệu quả”.

Trong bối cảnh hiện nay, các loại cây rừng trồng như: keo, mỡ, bồ đề đang bị sâu bệnh phá hoại, việc trồng quế đã mang lại lợi thế so sánh rất lớn. Thực tế, việc trồng quế đối với nhân dân Văn Chấn không chỉ có giá trị kinh tế mà còn có cả giá trị văn hóa, tinh thần. Mùa xuân này, nhân dân Văn Chấn đang tập trung phát triển cây quế theo hướng bền vững để tạo sinh kế ổn định, yên tâm bảo vệ và phát triển rừng.

Trần Van - Phan Tuấn

Tags Văn Chấn rừng quế cây lâm nghiệp cây dược liệu du lịch homestay

Các tin khác

Ngày 7/3, Thường trực Liên đoàn Lao động huyện Trấn Yên phối hợp với Ban Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Đạt Phương tổ chức ra mắt, thành lập và Đại hội Công đoàn cơ sở Công ty lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2026.

Anh Bàn Văn Minh, thôn làng Câu, xã Tân Hợp khẳng định, mỗi ha quế có giá trị 1 tỷ đồng.

Với diện tích 45.000 ha, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái trở thành “thủ phủ” quế hàng hóa của cả nước. Loại cây chủ lực này đã mở ra cơ hội phát triển cho địa phương trên lộ trình phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

Công nhân liên danh Lâm Việt - Bình Dương đẩy nhanh tiến độ thi công dự án xây dựng công trình đê chống ngập sông Hồng.

Ngay từ đầu năm, tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, có việc tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tỉnh đã tích cực tuyên truyền nhân dân tham gia thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng.

Quang cảnh thôn Hát 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu.

Dù phải chịu nhiều thiệt hại nặng nề về người và tài sản trong trận lũ quét lịch sử hồi tháng 10 năm 2017, song với sự hỗ trợ kịp thời của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của nhân dân nên thôn Hát 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu xuân này đã khác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục