Theo đó, các Bộ Tài chính, Công an, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Quốc Phòng và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai và các địa phương có liên quan được yêu cầu kiểm tra chặt chẽ, hoạt động nhập cá tầm Trung Quốc vào Việt Nam.
Ban Chỉ đạo 389 yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tăng cường kiểm soát trong thị trường nội địa (nhất là các trung tâm tiêu thụ lớn tại Hà Nội và TP.HCM) để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, buôn bán mặt hàng cá tầm (nguồn gốc, xuất xứ, giấy phép, sở hữu trí tuệ; kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, gian lận thương mại...).
Theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ NN&PTNT công bố rộng rãi danh sách các loại cá tầm được phép nhập khẩu để các cơ quan chức năng thuận lợi trong việc thực hiện và kiểm tra, kiểm soát.
Hiện, giá các loại cá tầm nhập lậu Trung Quốc được bán trên thị trường, bán buôn cho thương lái, hoặc bán lẻ có giá từ 130.000 đến 160.000 đồng/kg, trà trộn và không phân biệt được nguồn gốc, xuất xứ và không được kiểm nghiệm vệ sinh thực phẩm cũng như dịch bệnh.
Trong khi đó, các loại cá tầm của Việt Nam được nuôi trồng tại Sapa có giá từ khoảng 170.000 đồng/kg xuất từ các trang trại, giá bán ra thị trường từ khoảng 200.000 - 240.000 đồng/kg.
Việc cá tầm nhập lậu Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam, giả các loại cá tầm trong nước, trước mắt khiến giá cá tầm nuôi trong nước giảm rất mạnh, ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ hoặc xuất khẩu loại đặc sản này.
Lo ngại hơn, các loại dịch bệnh có thể lây nhiễm, lan truyền từ Trung Quốc về Việt Nam, đặc biệt khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Trung Quốc chưa tìm ra nguồn gốc của virus corona.
Cuối năm 2020, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) phát hiện và bắt giữ lô hàng cá tầm Trung Quốc nhập về Việt Nam. Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trị giá khai báo trên tờ hải quan nhập khẩu không đúng với số lượng cá tầm Trung Quốc nhập về, tang vật vi phạm lên đến 4 tạ cá tầm Trung Quốc trị giá hơn 400 triệu đồng.
Theo cơ quan chức năng, phần lớn cá tầm Trung Quốc được nuôi công nghiệp, sử dụng nhiều kháng sinh, thức ăn tăng trọng, riêng việc được kiểm soát dịch bệnh và mức độ an toàn thực phẩm không có nên nguy cơ cho sức khỏe người ăn là rất lớn.
Ngoài cá tầm, thời điểm cận Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều khả năng các loại hàng lậu như gà, vịt, trứng hoặc các loại trái cây, hàng tiêu dùng, may mặc từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam qua đường mòn lối mở sẽ gia tăng.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản gửi Ban Chỉ đạo 389 cùng hàng loạt hiệp hội về thủy sản, nghề cá cả nước và các địa phương về việc kiểm soát nhập khẩu cá tầm dùng làm thực phẩm.
Theo đó, khi phát hiện cá tầm không thuộc danh mục thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã thu mua tại một số địa phương để kiểm tra. Kết quả 8/11 mẫu cá tầm thương phẩm được xác định hình thái không phù hợp với loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Bộ NN&PTNT cho biết, một số loài cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm lưu thông trên thị trường chưa rõ nguồn gốc, không thực hiện kiểm dịch có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và sản xuất cá tầm tại Việt Nam.
(Theo Dân Trí)