Chúng tôi đến thăm gia đình ông Lê Đức Hùng, thôn 9 xã Việt Cường, huyện Trấn Yên - một trong những hộ làm giàu từ kinh tế rừng với hơn 1 ha quế, 2 ha keo hàng năm thu về gần 100 triệu đồng từ trồng rừng kinh tế.
Ông Hùng chia sẻ: "1 ha keo, nếu trừ các loại chi phí như cây giống, phân bón, công lao động trong 3 năm chăm sóc ban đầu đến khi khai thác, sẽ cho thu nhập trên 70 triệu đồng, tùy theo độ tuổi gỗ. Ngoài ra, để có hiệu quả kinh tế cao, lâu dài hơn thì quế là cây trồng phù hợp, vì có thể tận thu từ cành, lá, vỏ đến thân cây. Trồng rừng thực sự đã và đang trở thành ngành kinh tế chủ đạo của gia đình tôi và đại bộ phận người dân trong xã”.
Được biết, Việt Cường có diện tích đất lâm nghiệp lớn với gần 3.200 ha; trong đó, 426,6 ha đất rừng tự nhiên còn lại gần 2.800 ha đất rừng sản xuất. Trong giai đoạn 2015 - 2020, Đảng ủy xã đã ra Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế rừng nhằm khuyến khích người dân trồng rừng.
Để khai thác tối đa lợi thế kinh tế rừng, xã tập trung làm tốt việc hướng dẫn các chủ rừng đưa những giống cây lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế cao như: quế, keo, cây dược liệu, cây ăn quả… vào sản xuất; tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về bảo vệ và phát triển rừng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc phát triển kinh tế đồi rừng gắn với bảo vệ rừng.
Đặc biệt, xã chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Hạt Kiểm lâm huyện và Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện để tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cho nhân dân; thực hiện việc giao đất rừng tới tận tay nông dân, giúp họ thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mình trên những cánh rừng trồng và mảnh đất được giao.
Ông Hoàng Anh Thắm - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Hiện, xã có hơn 40% hộ trồng rừng, trong đó, khoảng 100 hộ có từ 3 ha rừng trở lên, hộ ít cũng có trên dưới 1 ha. Một số cây trồng chủ lực ở đây là keo với hơn 1.700 ha, quế gần 1.000 ha, còn lại là một số loại cây nguyên liệu khác như bồ đề, bạch đàn... Mỗi năm nhân dân khai thác, trồng luân kỳ khoảng 250 ha, thu về hàng chục tỷ đồng”.
Cùng với trồng rừng, Việt Cường còn tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến gỗ rừng trồng đầu tư máy móc, công nghệ cao để tạo đầu ra ổn định cho người trồng rừng.
Hiện, toàn xã có 2 doanh nghiệp, 1 công ty, 16 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng và hàng chục xưởng mộc dân dụng thu hút hơn 700 lao động thường xuyên. Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm đạt gần 10.000 m3. Việc đa dạng hóa phương thức sản xuất dựa trên thế mạnh về đất đồi rừng thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã có bước phát triển vượt bậc, đời sống của người dân được nâng lên. Hiện, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,2%...
Ông Cao Huy Điều - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đạt Phương ở thôn 2 xã Việt Cường cho biết: "Công ty chúng tôi mỗi tháng thu mua khoảng 1.000 m3 gỗ tròn của người dân. Quy mô sản xuất của Công ty là 40 tấn gỗ dăm giấy/ngày và 50 m3 gỗ ván ép xuất khẩu. Ngoài ra, Công ty còn tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động với thu nhập từ 6 triệu đồng/tháng trở lên”.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đưa kinh tế rừng trở thành ngành kinh tế trọng điểm, thời gian tới, xã Việt Cường tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giao đất, giao rừng, cấp quyền sử dụng đất; thực hiện các giải pháp chuyển giao khoa học, kỹ thuật, phát triển các mô hình kinh tế trang trại, nâng cao chất lượng rừng bằng việc đưa vào trồng các cây nguyên liệugiá trị kinh tế cao; quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông, tạo điều kiện ưu tiên các nguồn vốn cho nhân dân; khuyến khích thành lập các xưởng chế biến lâm sản tại địa phương, thành lập hợp tác xã chế biến gỗ để tạo ra sự liên kết giữa người trồng rừng với cơ sở chế biến và giữa các cơ sở với nhau.
Đặc biệt, xã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất gỗ thành phẩm có chất lượng, giá trị cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Hùng Cường