Để cây sắn phát triển bền vững: Cần liên kết nông dân với doanh nghiệp

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/3/2021 | 6:59:57 AM

YênBái - Cách đây gần 10 năm, cây sắn từng đứng trong hàng các loại cây trồng cho thu nhập cao của tỉnh. Tuy nhiên, do sự quan tâm đầu tư còn khiêm tốn khiến nhiều năm trở lại đây, diện tích, năng suất sắn trên địa bàn tỉnh ngày một giảm và nhiều nơi nông dân không còn mặn mà.

Nhà máy Sắn Văn Yên là đơn vị chế biến thu mua cơ bản lượng sắn nguyên liệu của tỉnh. (Ảnh: H.N)
Nhà máy Sắn Văn Yên là đơn vị chế biến thu mua cơ bản lượng sắn nguyên liệu của tỉnh. (Ảnh: H.N)

Diện tích liên tục giảm

Sắn là một trong những cây trồng có diện tích, sản lượng và có hiệu quả kinh tế khá tại Yên Bái. Ở thời kỳ "hoàng kim”, diện tích sắn của tỉnh lên đến trên 15.000 ha; trong đó, tập trung chủ yếu ở các huyện: Văn Yên, Yên Bình. Cây sắn đã góp phần xóa đói giảm nghèo ở nhiều vùng quê và nhiều nhà từ trồng sắn đã xây được nhà, sắm ti vi, xe máy… và theo tính toán của các hộ trồng sắn thì 1 ha sắn sau thu hoạch trừ các chi phí còn cho lãi khoảng 25 - 30 triệu đồng. Nhà nào trồng nhiều thì thu cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, diện tích, sản lượng sắn liên tục giảm. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm giảm khoảng 1.000 ha. Năm 2020, toàn tỉnh có khoảng  8.710 ha, năng suất trung bình đạt 19,7 tấn/ha. Năng suất sắn của tỉnh đạt tương đương so với năng suất bình quân chung cả nước, nhưng vẫn còn thấp do chủ yếu sử dụng các giống sắn cũ. 

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do diện tích trồng sắn của tỉnh chủ yếu trên địa hình đồi dốc cùng với việc canh tác sắn lâu năm không chú trọng đầu tư nên nhiều diện tích đất bị thoái hóa làm năng suất sắn giảm, hiệu quả sản xuất thấp.

 Cùng đó, do đầu ra thị trường bấp bênh, vì phải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên có thời điểm do giá sắn liên tục xuống thấp nên nhiều nơi nông dân đã chuyển sang trồng các loại cây trồng có giá trị cao hơn. Việc áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất và áp dụng các biện pháp canh tác bền vững trên đất dốc để tạo ra vùng nguyên liệu sắn tập trung gặp nhiều khó khăn. Công nghiệp chế biến sắn còn chậm phát triển, chủ yếu vẫn là chế biến thô nên giá trị gia tăng của sản phẩm sắn chưa cao.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 doanh nghiệp sản xuất, chế biến sắn với công suất 150.000 tấn sắn củ tươi/năm gồm Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái công suất 100.000 tấn củ tươi/năm; Công ty TNHH Thương mại đầu tư Yên Bình công suất 50.000 tấn củ tươi/năm. Sản phẩm tinh bột sắn chủ yếu là thị trường Trung Quốc và một phần tiêu thụ trong nước. 

Ngoài ra, còn có khoảng 200 cơ sở sản xuất sắn lát khô, sản lượng khoảng 45.000 tấn/năm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Các sản phẩm từ sắn xuất khẩu năm 2020 đạt khoảng trên 7.200 tấn với giá trị khoảng 3 triệu USD. 

Cần liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp

Định hướng phát triển cây sắn của tỉnh trong thời gian tới, ông Nghiêm Minh Tiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho rằng, trước hết, cần quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu như hiện nay, không mở rộng diện tích trồng sắn. 

Tiếp đến là tạo vùng nguyên liệu tốt bằng các giống mới kết hợp các biện pháp thâm canh phù hợp, đảm bảo năng suất cao. Các nhà máy chế biến cần hỗ trợ giống sắn mới cho nông dân và có chính sách thu mua, vận chuyển, đặc biệt là bảo hiểm giá sắn cho nông dân để đảm bảo độ bền vững của vùng nguyên liệu. 

Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sâu sau tinh bột để sản xuất ethanol, giảm và tiến tới không xuất khẩu sắn lát ra thị trường. Theo định hướng giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ ổn định diện tích sắn ở mức 8.700 ha, sản lượng 171.000 tấn; đến năm 2030, duy trì ổn định diện tích trồng 9.850 ha với sản lượng 189.000 tấn/năm. 

Do đó, để cây sắn phát triển bền vững, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp các sở, ngành và địa phương tổ chức nghiên cứu, chọn tạo giống sắn mới có năng suất và hàm lượng tinh bột cao, có khả năng chống chịu tốt với dịch bệnh; hướng dẫn cho nông dân áp dụng các biện pháp canh tác sắn bền vững, đặc biệt là diện tích trồng sắn trên đất dốc, xóa bỏ trồng sắn theo phương thức quảng canh.

Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân quyết liệt trong phòng trừ dịch bệnh; trước mắt, thực hiện kiểm tra phát hiện, ngăn ngừa bệnh khảm lá sắn và tổ chức phòng trừ bệnh chổi rồng, rệp sáp và các loại sâu bệnh khác trên cây sắn; phối hợp với các sở, ban, ngành, viện, trường đại học thực hiện các nghiên cứu, xây dựng mô hình canh tác sắn tiên tiến, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái để tổng kết, đánh giá phổ biến sản xuất ra diện rộng. Bên cạnh nâng cao năng suất sắn, các địa phương chủ động chỉ đạo nông dân liên kết sản xuất theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác để hình thành vùng sản xuất sắn bền vững gắn với cơ sở, nhà máy chế biến theo chuỗi giá trị, nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế. 

Các doanh nghiệp chế biến tiếp tục đầu tư, cải tiến dây truyền, công nghệ để từng bước tiến tới chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị, đảm bảo môi trường. Tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu để có cơ sở tổ chức phát triển sản xuất sắn đạt hiệu quả cao nhất. 

Bên cạnh đó, một điều kiện tiên quyết để cây sắn phát triển bền vững là các doanh nghiệp phải đồng hành, giúp người nông dân thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển đổi giống mới, ứng vật tư, phân bón và dồn điền đổi thửa, hình thành vùng canh tác sắn bền vững quy mô lớn gắn với nhà máy chế biến. 

Doanh nghiệp ký cam kết hợp đồng bao tiêu nguyên liệu trên cơ sở xây dựng các khung giá thu mua hợp lý và có sự thỏa thuận giữa nhà máy và các hộ nông dân thu mua hết sản phẩm cho các hộ nông dân theo hợp đồng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần đưa cây sắn có cơ hội lớn tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân.                                   
Văn Thông

Tags Văn Yên nông dân với doanh nghiệp cây sắn Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái

Các tin khác
Chế biến sản phẩm dứa đóng hộp xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm An Giang (tỉnh An Giang).

Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD, trong đó tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên.

Rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC ở xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình.

Là 1 trong 4 tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước, những năm qua, Yên Bái đã phát huy tiềm năng, thế mạnh nghề rừng, phấn đấu trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Lãnh đạo xã Việt Cường nắm bắt tình hình sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đạt Phương.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, Đảng ủy xã Việt Cường đã ra Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế rừng. Hiện, toàn xã có 2 doanh nghiệp, 1 công ty, 16 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng và hàng chục xưởng mộc dân dụng.

Quang cảnh Hội thảo.

Sáng 24/3, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) tổ chức Hội thảo tập huấn nông nghiệp hữu cơ và hệ thống đảm bảo chất lượng cùng tham gia (PGS) trong sản xuất hữu cơ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục