Là vùng trọng điểm lúa của huyện Lục Yên, vụ xuân năm 2021, xã Minh Xuân gieo cấy được trên 200 ha lúa; trong đó, cơ cấu giống lúa lai chiếm 60%, còn lại là các loại lúa thuần. Giống được gieo cấy chủ yếu là Nhị ưu 838; Nghi hương 305; Chiêm hương, Bắc thơm số 7…
Xác định đây là vụ chính trong năm; vì vậy, UBND xã giao trọng trách cho khuyến nông viên cơ sở xuống địa bàn nắm bắt tình hình sâu bệnh hại để hướng dẫn bà con chăm sóc nhằm đảm bảo một vụ xuân được thắng lợi. Hiện, lúa xuân đang trong giai đoạn làm đòng và là thời điểm thích hợp để sâu bệnh hại phát triển. Vì vậy, UBND xã tập trung lực lượng hướng dẫn nông dân cách phòng trừ nếu có sâu bệnh hại lúa.
Chị Hoàng Thị Lan, thôn Nà Vài, xã Minh Xuân cho biết: vụ xuân này, gia đình chị cấy 5 sào lúa, với 2 giống lúa là Nhị ưu 838 và Chiêm hương. Để năng suất đạt ít nhất 62 tạ/ha như vụ trước, gia đình thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến sâu bệnh và nếu có dấu hiệu phát sinh sẽ kịp thời phòng trừ.
Theo chị Lan, năm nay thời tiết thuận lợi, lúa sinh trưởng phát triển tốt; tuy nhiên, một số diện tích lúa của gia đình gần bờ đã xuất hiện chuột cắn. Ngay khi phát hiện, gia đình đã che chắn ruộng bằng nilon kết hợp các biện pháp bẫy chuột thủ công.
Vụ xuân năm 2020 - 2021, huyện Lục Yên gieo cấy trên 3.688 ha/3.400 ha lúa, đạt 108,4% kế hoạch, tăng 1% so với năm 2020; trong đó, diện tích lúa cấy sau khi nước hồ rút là 288,3 ha. Ngay từ khi bắt đầu vụ lúa, Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện (viết tắt là Trung tâm) đã chỉ đạo lực lượng khuyến nông viên cơ sở hướng dẫn nông dân tập trung gieo cấy lúa theo đúng khung lịch thời vụ của UBND huyện.
Theo đó, Trung tâm đã tổ chức trên 60 lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật phòng, chống rét cho mạ, kỹ thuật phòng trừ ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn lá hại lúa, kỹ thuật chăm sóc lúa xuân giai đoạn đẻ nhánh với gần 2.000 lượt hộ nông dân tham gia. Hiện, lúa xuân đang ở giai đoạn làm đòng và nhìn chung các trà lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết thời gian qua trời âm u, mưa phùn kéo dài, ẩm độ cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu bệnh phát sinh, gây hại như: bệnh đạo ôn lá, ruồi hại nõn, bệnh khô vằn, bệnh nghẹt rễ, chuột... Tổng diện tích lúa bị nhiệm sâu bệnh hại tính đến thời điểm hiện nay là gần 200 ha, hại rải rác ở các xã trên địa bàn huyện.
Trung tâm tiếp tục chỉ đạo lực lượng khuyến nông viên cơ sở hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc lúa giai đoạn làm đòng, đặc biệt là việc bón phân, điều tiết nước và kỹ thuật phòng, trừ một số sâu bệnh hại chính giai đoạn này như: bệnh đạo ôn, rầy nâu, bệnh khô vằn, sâu đục thân...
Ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên chia sẻ: "Theo dự báo, diễn biến nền nhiệt độ tháng 4 sẽ tiếp tục cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 10C, lúa xuân sẽ rút ngắn thời gian sinh trưởng, trỗ sớm".
Để bảo đảm tổ chức tốt sản xuất vụ xuân trong điều kiện ấm, UBND huyện yêu cầu các địa phương tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người dân trong chăm sóc diện tích lúa cấy sớm cần chia lượng phân bón thúc làm 2 lần bón để kéo dài thời gian sinh trưởng, hạn chế lúa trỗ bông trong tháng 4 ảnh hưởng đến năng suất.
Chủ động phòng, trừ sâu bệnh gây hại lúa xuân, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa.
Khuyến cáo bà con tổ chức thăm đồng thường xuyên để phát hiện sâu bệnh, phun thuốc phòng, trừ kịp thời các diện tích đã nhiễm theo nguyên tắc "4 đúng": đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật phù hợp, kịp thời phát hiện đối tượng sâu bệnh hại để tham mưu UBND huyện chỉ đạo kịp thời và hiệu quả. Thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa xuân trên địa bàn huyện Lục Yên đều sinh trưởng, phát triển tốt.
Quang Thiều