Cái được rõ nét nhất trong sản xuất nông nghiệp ở Trấn Yên chính là đã làm thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ, phân tán, tự cung, tự cấp sang sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung. Tiêu biểu nhất là cây dâu đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất cao và bền vững. Điều đó được thể hiện qua hàng năm diện tích dâu được mở rộng, người trồng dâu có thu nhập ổn định, bình quân 1 ha trồng dâu, nuôi tằm đạt từ 220 - 250 triệu đồng, cao hơn 2,5 - 3 lần so với sản xuất lúa.
Từ những héc-ta dâu trồng tự phát trên các dải đất soi bãi, nay toàn huyện đã có trên 615 ha, trong đó có 578 ha dâu kinh doanh. Vùng dâu, nuôi tằm được quy hoạch và thực hiện ở 10 xã, nhưng tập trung nhiều nhất ở các xã: Việt Thành, Báo Đáp, Y Can, Tân Đồng… Hiện đã thành lập được 10 hợp tác xã và 97 tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm với trên 800 thành viên tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đáng chú ý là toàn bộ diện tích dâu đều được trồng bằng các giống dâu tiến bộ kỹ thuật cho năng suất và chất lượng cao phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cũng như trình độ thâm canh của người dân. Cùng với mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu còn xây dựng được 10 nhà nuôi tằm đảm bảo tiêu chuẩn và ứng dụng nuôi tằm trên khay nhựa, xây mới và cải tạo 276 nhà nuôi tằm lớn theo tiêu chuẩn kỹ thuật, ứng dụng 1.100 bộ né gỗ ô vuông cho tằm lên kén, góp phần nâng cao chất lượng và thu nhập.
Năm 2020 vừa phát triển vùng dâu nguyên liệu, bà con vừa tập trung nuôi tằm theo kỹ thuật mang lại hiệu quả rất cao, sản lượng kén đạt trên 700 tấn, giá trị thu về trên 60 tỷ đồng. Đặc biệt, người trồng dâu đã và đang hướng đến sản xuất dâu tằm theo hướng hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn trong sản xuất nuôi tằm. Trong năm 2021 này huyện sẽ tiếp tục trồng mới 120 ha dâu, tập trung ở các xã trong vùng dự án, phấn đấu sản lượng kén đạt trên 800 tấn, giá trị thu đạt 80 tỷ đồng.
Bên cạnh cây dâu, Trấn Yên đã hình thành và phát triển vùng cây ăn quả rộng cả trăm héc-ta, góp phần không nhỏ trong xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Khó ai có thể tin được, những vạt đồi xưa chỉ trồng chè, cây lâm nghiệp, thậm chí bỏ hoang nay đã có giá trị thu nhập đạt 250 triệu đồng/ha.
Để khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai, khí hậu, Trấn Yên đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về chương trình trồng cây ăn quả có múi gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách, khuyến khích vận động người dân chuyển đổi diện tích đất vườn tạp, đất đồi, đất trồng cây công nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi.
Với phương châm làm đến đâu chắc đến đó, đến nay huyện đã phát triển được gần 800 ha cây ăn quả có múi (390 ha bưởi, 320 ha cam, quýt, 70 ha chanh…) tập trung tại các xã Hưng Thịnh, Hồng Ca, Hưng Khánh, Quy Mông, Việt Thành. Chỉ tính riêng trong năm 2020 đã có 350 ha cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 2.500 tấn, doanh thu đạt trên 60 tỷ đồng.
Ước tính, với diện tích trồng như hiện nay thì chỉ một, hai năm nữa cây hết thời kỳ kiến thiết cơ bản sản lượng sẽ đạt trên 6.000 tấn, doanh thu đạt không dưới 150 tỷ đồng. Huyện đang triển khai và xây dựng vùng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hồng Ca, Hưng Thịnh, đồng thời dán tem truy xuất nguồn gốc.
Cùng với cây dâu và cây ăn quả thì cây tre măng Bát độ cũng trở thành cây thế mạnh của huyện. Toàn huyện có trên 3.560 ha tre măng Bát độ, tập trung ở các xã Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh, Lương Thịnh, trong đó có 2.000 ha kinh doanh, còn lại là đang trong thời kỳ chăm sóc và kiến thiết cơ bản.
Trong năm 2020 sản lượng thu hoạch măng tươi đạt 70.000 tấn, sơ chế măng thương phẩm đạt trên 25.000 tấn, giá trị thu được trên 100 tỷ đồng; trung bình mỗi héc-ta trồng tre măng Bát độ đạt 40 triệu đồng/năm.
Không sản xuất đơn thuần, từ nhiều năm nay Công ty TNHH Vạn Đạt và Công ty cổ phần Yên Thành đã ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm tính bền vững cao và hiệu quả.
Quy hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, xác định và lựa chọn cây trồng vật nuôi có hiệu quả, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa và thị trường đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững ở Trấn Yên cần tiếp tục được nhân rộng.
Thanh Phúc