Yên Bái hướng tới phát triển rừng bền vững

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/6/2021 | 7:53:05 AM

YênBái - Yên Bái là tỉnh có lợi thế về lâm nghiệp với gần 689.000 ha đất tự nhiên, đất quy hoạch lâm nghiệp chiếm 69%. Phát huy thế mạnh của rừng, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp và phấn đấu sớm trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Rừng trồng tại xã Phúc An, huyện Yên Bình. (Ảnh: Thủy Thanh)
Rừng trồng tại xã Phúc An, huyện Yên Bình. (Ảnh: Thủy Thanh)

>> Yên Bái hướng tới phát triển kinh tế rừng bền vững

 
Hiệu quả từ chủ trương đầu tư đúng

Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh đạt 4,5%/năm, cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng lâm nghiệp; hình thành rõ nét các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, gồm: vùng quế gần 78.000 ha; vùng tre măng Bát độ hơn 6.600 ha, vùng sơn tra gần 10.000 ha...  

Hàng năm, trồng mới thay thế 15.000 ha rừng các loại, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 62% năm 2015, lên 63% năm 2020, xếp thứ tư cả nước về tỷ lệ che phủ rừng, mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ che phủ rừng đạt 65%, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm đạt 500.000 m3, hướng đến trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng quy mô lớn với công nghệ hiện đại. 

Nâng cao chất lượng giá trị rừng trồng, bằng cách thực hiện trồng rừng sản xuất theo hướng quản lý rừng bền vững (FSC) là cách đi đúng đang được nhân rộng ra toàn tỉnh. Đến nay, tỉnh có hơn 12.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC, phấn đấu khoảng bốn năm tới sẽ có khoảng 100.000 ha rừng được cấp chứng chỉ. 

Cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm Yên Bình đến thôn Miếu Hạ, xã Thịnh Hưng gặp hộ ông Nguyễn Văn Tám nhằm tìm hiểu hiệu quả của trồng rừng gỗ lớn. 

Ông Tám cho biết, gia đình có 4 ha rừng trồng, chủ yếu là keo, lát xoan. Nhờ quay vòng khai thác và tỉa thưa, nuôi cá, lợn, gà, ong mật dưới tán rừng, hàng năm gia đình có thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ kinh tế trang trại. Do thiếu vốn, chu kỳ khai thác gỗ rừng trồng của dân trong vùng thường là 6 năm, nhưng ông Tám kéo dài chu kỳ hơn 10 năm. Khi khai thác gỗ thân lớn, có chứng chỉ FSC giá bán cao gần gấp đôi so với giá gỗ cùng loại. 

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Bình, Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, với hơn 4.000 ha được cấp chứng chỉ của huyện, giúp 3 cơ sở chế biến gỗ FSC là Công ty cổ phần Yên Thành, Công ty TNHH Hoàng Gia, Công ty TNHH Hòa Phát trên địa bàn thu mua gỗ của dân giá cao; đồng thời, đủ điều kiện pháp lý trong chế biến, xuất khẩu trực tiếp, nâng cao giá trị kinh tế gỗ rừng trồng.

Yên Bái thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, giai đoạn 2016 - 2019 với tổng diện tích rừng được chi trả đã rà soát hơn 727.000 ha, chủ yếu là diện tích thuộc lưu vực sông Đà, sông Hồng, sông Chảy và suối Nậm Tha. Tổng kinh phí chi trả cho các chủ rừng hơn 478 tỷ đồng. Đây là nguồn lực tài chính nhằm bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ đó, người dân nhận được số tiền khoán bảo vệ rừng (BVR) tương xứng hơn với công sức họ bỏ ra để BVR, nhất là rừng đặc dụng, phòng hộ, góp phần thay đổi đời sống, người dân yên tâm chung tay, góp sức BVR.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Đức Điển cho hay: với lợi thế thổ nhưỡng phù hợp phát triển một số cây bản địa, tỉnh đã có vùng trồng quế tại 5 huyện vùng thấp gồm: Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình; trong đó, Văn Yên được lấy làm trung tâm phát triển của vùng. 

Qua rà soát, diện tích cây quế hiện có ước đạt hơn 78.000 ha; sản lượng khai thác vỏ quế (chỉ tính cho quế khai thác ở 13 - 15 năm tuổi) năm 2020 đạt hơn 18.000 tấn; tận thu cành, lá trên 74.000 tấn; sản lượng gỗ quế tận thu sau khai thác vỏ khoảng 40.000 m3/năm. 

Cây sơn tra (táo mèo) được quan tâm đầu tư trồng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau và hình thành vùng trồng sơn tra tương đối tập trung tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, diện tích gần 10.000 ha, năng suất bình quân đạt 2,2 tấn/ha/năm, sản lượng khoảng 4.000 tấn/năm, giá trị hơn 40 tỷ đồng.

Xác định quản lý, BVR và phòng cháy, chữa cháy rừng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đặc biệt là đối với ngành kiểm lâm, hàng năm, tỉnh chỉ đạo các địa phương ký hợp đồng BVR với người dân địa phương tại 65 xã vùng trọng điểm. Chỉ đạo các cơ quan chức năng và chủ rừng thực hiện quyết liệt, nhất quán trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng, không cấp phép khai thác chính và khai thác gỗ gia dụng từ rừng tự nhiên, hạn chế tối đa việc cấp phép khai thác tận thu, tận dụng lâm sản trong rừng tự nhiên.

Bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái - Nguyễn Thái Bình cho biết: diện tích đất lâm nghiệp của các hộ gia đình còn manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến đầu tư cho lâm nghiệp chưa đạt hiệu quả cao; hệ thống đường lâm nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển gỗ; người dân đã chú trọng hơn đến giống cây trồng nhưng do tâm lý của người nông dân tham rẻ, thiếu hiểu biết… nên một bộ phận người trồng rừng vẫn mua giống cây lâm nghiệp trôi nổi, không rõ nguồn gốc, còn lựa chọn tự sản xuất giống từ những cây khỏe mạnh trong rừng trồng của mình, dẫn đến chất lượng cây giống không bảo đảm, năng suất, sản lượng, phẩm chất gỗ thấp nên khi thu hoạch chưa đạt giá trị cao. 

Hệ thống chế biến lâm sản của tỉnh chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, chưa có chính sách đồng bộ trong đầu tư phát triển rừng trồng là rừng sản xuất gắn với đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gỗ. Ngoài sản xuất ván nhân tạo thì các hoạt động chế biến lâm sản chưa được đưa vào danh mục các lĩnh vực ưu đãi đầu tư của tỉnh; chưa có các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và cơ sở hạ tầng phục vụ các vùng nguyên liệu lâm sản tập trung. Rừng trồng tăng lớn về diện tích nhưng chất lượng rừng không đồng đều...

Năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất chế biến gỗ còn nhiều hạn chế, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành còn thiếu và yếu, thiếu lao động kỹ thuật diễn ra ở nhiều cơ sở; do đó, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, đến khả năng tiếp thu, đổi mới nâng cao trình độ công nghệ; đa số các cơ sở sản xuất có quy mô công suất nhỏ, thiết bị công nghệ còn lạc hậu, thiếu đồng bộ; sản phẩm sản xuất ra còn ở dạng sơ chế, giá trị thấp; một số sản phẩm xuất khẩu trực tiếp như ván ghép thanh, đũa gỗ sản lượng đạt thấp… 

Giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cần làm tốt tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị định số 27/2021/NĐ - CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp bằng các hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế. Đối với trồng rừng đặc dụng, chỉ trồng các loài cây bản địa có phân bố trong hệ sinh thái của rừng đặc dụng đó. 

Đối với trồng rừng phòng hộ, nên trồng bằng loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt. Đối với trồng rừng sản xuất tập trung trồng các loài cây có năng suất, chất lượng cao, khuyến khích sử dụng các giống cây sản xuất bằng mô, hom; kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn ở những nơi có điều kiện thích hợp. 

Đến nay, tỉnh đã xây dựng "chính sách hỗ trợ phát triển rừng trồng nguyên liệu theo hướng bền vững” giúp các hộ gia đình tham gia trồng rừng sản xuất theo hướng quản lý FSC. Theo đó, các hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ gia đình cá nhân trồng rừng theo FSC có sử dụng các giống tiến bộ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được các cơ quan chức năng công nhận sẽ được hỗ trợ chi phí mua cây giống.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Văn Yên Vũ Minh Phúc khi được trao đổi về nâng cao hiệu quả kinh tế rừng đã đưa ra quan điểm: để phát triển công nghiệp chế biến lâm sản; trước hết, phải đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào. 

Vì vậy, cần đẩy mạnh xây dựng, phát triển rừng trồng theo hướng quản lý rừng bền vững để nâng cao giá trị gỗ khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy và có cơ chế khuyến khích việc hình thành các doanh nghiệp tham gia đầu tư chế biến lâm sản quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tiêu thụ nhiều nguyên liệu, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; các doanh nghiệp phải là trung tâm liên kết chuỗi sản xuất đối với từng sản phẩm chủ lực, nhất là sản phẩm xuất khẩu.

Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái xác định xây dựng ”Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Trung du và miền núi phía Bắc tại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đưa Yên Bái trở thành một trong 3 khu công nghệ cao của cả nước theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Khu công nghệ cao được hình thành sẽ nâng cao tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp của Yên Bái và các tỉnh khác trong khu vực; đồng thời, xây dựng được thương hiệu ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ toàn khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

Giá trị rừng được nâng cao, cải thiện đáng kể đời sống và nhận thức cho người trồng rừng. Diện tích rừng trồng thâm canh chất lượng cao dần thay thế các diện tích rừng trồng hiện nay, rừng được cấp chứng chỉ. Năng suất rừng trồng sẽ tăng khoảng 30% so với phương thức trồng rừng truyền thống, giá bán gỗ nguyên liệu được cấp chứng chỉ rừng tăng từ 15 - 20%. Thu nhập người trồng rừng sẽ tăng lên.

Thanh Sơn

Tags Yên Bái phát triển rừng bền vững xóa đói giảm nghèo vùng quế vùng tre măng Bát độ vùng sơn tra

Các tin khác
Mô hình nuôi lợn rừng của anh Thào A Phổng ở bản Nậm Khắt.

Cùng với chăn nuôi, xã Nậm Khắt đã chuyển hàng chục héc - ta đất nông nghiệp sang trồng các cây nông nghiệp chất lượng cao, mang lại thu nhập gấp nhiều lần so với cây trồng truyền thống.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Yên hướng dẫn người dân thủ tục vay vốn.

Những tháng đầu năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid - 19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã bám sát chỉ đạo của NHNN Việt Nam duy trì mặt bằng cho vay ổn định.

Người Tày xã Việt Hồng làm các sản phẩm truyền thống giới thiệu với du khách.

Việc khai thác cảnh quan sinh thái tự nhiên cũng như các di tích lịch sử, danh thắng phát triển du lịch trong Khu di tích lịch sử chiến khu Vần được huyện Trấn Yên xác định là hướng đi mới trong phát triển kinh tế.

Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương báo cáo ngắn gọn về tình hình sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, hoạt động thương mại, tiêu thụ nông sản tại địa phương; những khó khăn, vướng mắc hiện nay và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, khôi phục, thúc đẩy phát triển sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục