Trong Chương trình FFF giai đoạn I, FAO đã hỗ trợ nông dân tỉnh Yên Bái thành lập 3 hợp tác xã (HTX), 5 tổ hợp tác (THT) với 216 hộ thành viên tham gia. Tiêu biểu là HTX Quế hồi hữu cơ tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên; HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình; HTX Bình Minh tại xã Phú Thịnh, huyện Trấn Yên; THT Thảo dược Tân Đồng, huyện Trấn Yên; THT Trồng rừng và nuôi ong xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình...
Qua đó, đã giúp nông dân tham gia Chương trình FFF phát triển tổ chức, cách thức sản xuất rừng và trang trại theo chuỗi hiệu quả. Các thành viên THT, HTX hiểu được lợi ích làm việc theo nhóm và hợp tác có thêm thông tin về thị trường, cùng nhau đầu tư vào sản xuất, tham gia chuỗi, chế biến gia tăng giá trị, tìm các đối tác, công ty mua sản phẩm với giá tốt hơn, phát triển thành viên, nâng cao kiến thức kỹ năng và kỹ thuật, hiểu về quản lý, phát triển rừng bền vững, các HTX, THT, có tiếng nói với chính quyền địa phương.
Đây là cơ sở để FAO tiếp tục tài trợ Chương trình FFF giai đoạn II tại Yên Bái với mục tiêu: Tăng quyền và năng lực cho các tổ chức người làm rừng và trang trại để phát triển bền vững, giảm nghèo, tăng khả năng thích ứng và phục hồi với biến đổi khí hậu, chú trọng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Mô hình trồng cây lá khôi theo hướng hữu cơ của gia đình bà Nguyễn Thị Lán, thôn 7, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên là mô hình thực tế để những người tham gia Chương trình FFF giai đoạn II hiểu thêm về phương thức sản xuất này.
Bà Nguyễn Thị Lán chia sẻ: "Gia đình tôi trồng cây lá khôi từ năm 2019 với quy trình sản xuất hữu cơ, tôi đã được Chương trình FFF tập huấn kỹ thuật. Cây khôi được trồng tại vườn nhà, không sử dụng hóa chất nông nghiệp, không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, được sử dụng phân bón hữu cơ đã ủ hoai. Đến nay, diện tích gần 1 ha cây lá khôi của gia đình đã cho thu hoạch những lứa đầu tiên và khách hàng rất hài lòng về sản phẩm”.
Những năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu đáng kể về năng suất, sản lượng, quy mô sản xuất... và đã tạo ra một khối lượng sản phẩm lớn đảm bảo tiêu dùng trong nước, xuất khẩu.
Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta đang đứng trước những thách thức không nhỏ, đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học… Để khắc phục những nhược điểm này, nông nghiệp nước ta đang từng bước chuyển dịch sang sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ.
Yên Bái là tỉnh có tiềm năng để sản xuất nông nghiệp hữu cơ như: người nông dân có kiến thức khoa học, kỹ thuật, đất đai rộng lớn, nhiều sản phẩm nông lâm nghiệp đã được nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ có hiệu quả tốt như: sản phẩm quế của HTX Quế hồi, sản phẩm gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC (rừng được công nhận đã tuân thủ theo 10 nguyên tắc về môi trường, kinh tế và xã hội).
Do vậy, trong giai đoạn II của Chương trình FFF, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục kết nối với FAO giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường sống, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, giảm nghèo bền vững bằng phương pháp sản xuất hữu cơ.
Theo ông Phạm Tài Thắng - điều phối viên Chương trình FFF, các nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ cách đây 30 - 40 năm rất hiệu quả. Trong giai đoạn II, FAO sẽ từng bước tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho người nông dân và sản xuất nông nghiệp bền vững để vừa giữ gìn môi trường sinh thái vừa thông qua phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ sẽ làm gia tăng giá trị sản phẩm và người dân dễ dàng kết nối thị trường, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo.
Minh Huyền