Cùng chúng tôi đi thăm một số mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn, Bí thư Đảng ủy xã Cường Thịnh - Nguyễn Tất Kiên trao đổi nhanh: "Trong phát triển kinh tế, Đảng bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân 6 thôn khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để trồng rừng kinh tế, trồng cây dược liệu, thâm canh tăng vụ, chuyển đổi diện tích chè già cỗi kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác; tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, gia cầm; khai thác có hiệu quả diện tích ao hồ mặt nước thủy lợi để chăn thả cá thương phẩm, đẩy mạnh hoạt động thương mại và dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động lưu thông hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nhân dân...”.
Trong sản xuất nông nghiệp, xã đã chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi thủy sản theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, liên kết ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và nâng cao giá trị phù hợp với thế mạnh của từng thôn.
Trong đó, diện tích đất lúa là 193,8 ha, chủ yếu được gieo cấy bằng giống lúa chất lượng cao, năng suất bình quân đạt 52,2 tạ/ha/vụ, sản lượng đạt 1.011,6 tấn/năm, tăng 49,2 tấn so với năm 2015; diện tích ngô 8,5 ha, năng suất bình quân đạt 32,3 tạ/ha, sản lượng ngô đạt 27,4 tấn/năm; lương thực bình quân đầu người đạt 397,9 kg.
Đặc biệt, nhân dân trong xã đã chuyển đổi gần 25 ha chè già cỗi sang trồng rừng kinh tế có giá trị cao như quế, keo và các loại cây khác; chăm sóc thâm canh 2,8 ha chè Bát tiên, sản lượng đạt 29 tấn/năm. Trồng và chăm sóc 505 ha rừng, tăng 35 ha so với năm 2015, trong đó xây dựng vùng quế an toàn theo hướng hữu cơ 200 ha. Hàng năm, nhân dân khai thác và trồng thay thế trên 100 ha rừng, thu nhập trên 4,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, xã đã chỉ đạo các hộ dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, gia cầm, đến nay phát triển được 24 cơ sở chăn nuôi gà thịt tập trung với quy mô từ 1.000 đến 10.000 con trên lứa. Thành lập 1 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác; trong đó, 1 mô hình trồng cây ăn quả có múi, 2 mô hình nuôi ong lấy mật quy mô từ 70 đến 100 tổ, có 46 hộ gia đình trồng cây dược liệu được 10,5 ha; phát triển 37 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ hàng hóa phục vụ cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản.
Ngoài ra, nhân dân trong xã còn khai thác có hiệu quả 20,46 ha ao hồ mặt nước thủy lợi để nuôi cá thương phẩm, sản lượng cá đạt 94 tấn/năm...
Hiện nay, trên địa bàn xã có rất nhiều mô kinh tế tổng hợp của đảng viên và nhân dân có thu nhập khá cao như: mô hình kinh tế tổng hợp của đảng viên Đoàn Thị Lương chăn nuôi lợn, cá, trồng rừng với 10 ha quế, keo, thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/năm; mô hình kinh tế tổng hợp của đảng viên Hoàng Xuân Tỉnh trồng trên 12 ha quế, keo, nuôi cá, trâu thu nhập trên 150 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi gà của đảng viên Hoàng Đình Khoát thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng/năm; mô hình kinh doanh tạp hóa của anh Nguyễn Quang Hồng với 2 đại lý thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; mô hình trồng, thu mua, sơ chế dược liệu của anh Phạm Bá Chiến thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.
Kinh tế phát triển, nhân dân trong xã tích cực đóng góp tiền của, công lao động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Chỉ tính riêng 5 năm qua, nhân dân trong xã đã góp hàng nghìn ngày công, hiến gần 3 ha đất, đóng góp tiền của kiên cố hóa trên 10 km đường liên thôn, xóm, mở mới 4,41 km; xây dựng, nâng cấp 6 nhà văn hóa thôn... với tổng kinh phí trên 19 tỷ đồng, góp phần để xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới vào cuối năm 2018.
Phát huy những kết quả đã đạt được, Đại hội Đảng bộ xã Cường Thịnh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra 28 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế theo tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 63,5 triệu đồng/năm; 27 chỉ tiêu khác hoàn thành và hoàn thành vượt mức Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIII đề ra.
Minh Hằng