Những năm gần đây, nhân dân huyện Mù Cang Chải đã quan tâm lựa chọn các loại giống cây ăn quả có giá trị và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng khu, từng vùng để đưa vào sản xuất.
Theo đó, hết năm 2020, huyện có 111 ha trồng các cây ăn quả chủ yếu: xoài, chuối, hồng (hồng đỏ, hồng ngâm), mận, đào, lê/mắc coọc với sản lượng đạt 366 tấn/năm. Huyện đã hình thành được một số điểm sản xuất mang tính đặc thù tại một số xã như: lê/mắc coọc xã Nậm Có, lê Tai nung xã Púng Luông, hồng giòn xã Nậm Khắt…, sản phẩm được người tiêu dùng phản hồi tốt. Tuy nhiên, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện thường dựa theo quỹ đất của hộ cá nhân và theo kinh nghiệm truyền thống; do đó, mức độ tập trung chưa cao.
Trên một diện tích thường có nhiều loại cây ăn quả khác nhau, quá trình canh tác chưa đáp ứng yêu cầu quy trình kỹ thuật, sản lượng chưa cao, công tác bảo quản đơn giản và thường sau khi thu hoạch để nguyên mang bán, mức độ đáp ứng cho thị trường thấp, tập trung ở những tháng chín rộ nhưng lại thiếu ở hầu hết các tháng còn lại, dẫn đến giá trị thấp.
Trước thực tế đó, huyện đã xây dựng triển khai Đề án "Phát triển cây ăn quả huyện Mù Cang Chải, giai đoạn 2021 - 2025”. Ông Lê Trọng Khang - Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Thông qua việc thực hiện Đề án, huyện đã đánh giá, điều tra, phân tích hiện trạng về cây ăn quả trên địa bàn. Từ đó, xác định địa điểm, quy mô, loài cây có thể phát triển trở thành hàng hóa và có những định hướng, giải pháp cụ thể về quỹ đất, giống, phân bón, đào tạo kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, thị trường... để phát triển vùng cây ăn quả một cách bền vững cho những năm tiếp theo. Đề án còn là cơ sở để huyện thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ cây ăn quả, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tạo thu nhập ổn định giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo”.
Theo Đề án, giai đoạn 2021 - 2025, huyện sẽ trồng mới trên 200 ha cây ăn quả các giống: lê Tai nung, hồng giòn, mận xanh, mận đỏ để hình thành các vùng cây ăn quả tập trung, được kiểm soát về giống, chủng loại, số lượng, chất lượng, để sản xuất theo hướng hàng hóa, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và tiêu chuẩn thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); phấn đấu nâng năng suất, sản lượng cây ăn quả từ 336 tấn (năm 2020) lên trên 1.000 tấn vào năm 2025.
Từ năm 2025 trở đi, toàn vùng Đề án sẽ ổn định về sản lượng, hàng năm cung cấp cho thị trường từ 1.200 - 1.600 tấn quả tươi, ước tính với giá bán trung bình 25 triệu đồng/tấn sẽ tạo ra giá trị hàng hóa khoảng 30 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng thành công mô hình trồng hồng giòn tại xã Nậm Khắt với quy mô 30 ha. Huyện đã tiến hành bàn giao 15.750 cây giống, phân bón cho 117 hộ tham gia mô hình; tổ chức 2 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc giống hồng giòn.
Anh Thào A Phổng ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt chia sẻ: "Gia đình tôi đã từng trồng giống hồng này rồi. Cây phát triển tốt, khá dễ chăm sóc lại cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng với 120 cây của gia đình. Hơn nữa, giống hồng này luôn cung không đủ cầu nên chưa đến mùa thương lái đã vào đặt tại nhà. Năm nay, tôi đăng ký trồng thêm 300 cây, tạo thành một vùng cây hồng giòn hơn 1 ha và hy vọng sẽ mang lại nguồn thu tốt cho gia đình”.
Ngoài ra, hàng năm, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã lựa chọn các loại cây trồng bản địa quy mô nhỏ, chủ động bố trí quỹ đất và kinh phí để trồng nhằm duy trì, khôi phục các nguồn giống tốt, từng bước mở rộng thêm diện tích cây ăn quả đặc sản của địa phương, đảm bảo về diện tích theo kế hoạch của huyện đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025.
Hoài Anh