Yên Bái: Phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/11/2021 | 7:40:12 AM

YênBái - Là một trong những vùng trọng điểm chăn nuôi của tỉnh, những năm qua, huyện Trấn Yên có bước chuyển đổi căn bản từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa tập trung và phát triển được các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn.

Ông Nguyễn Văn Tươm ở thôn Yên Định, xã Hưng Thịnh chăm sóc đàn lợn để kịp xuất bán vào dịp tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Văn Tươm ở thôn Yên Định, xã Hưng Thịnh chăm sóc đàn lợn để kịp xuất bán vào dịp tết Nguyên đán.

Người chăn nuôi đã áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới và liên kết trong sản xuất, làm tăng năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế. Tuy nhiên, đầu năm 2021, trên địa bàn huyện có xảy ra dịch cúm gia cầm A-H5N6 và bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. 

Ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương và các hộ chăn nuôi thực hiện tốt khoanh vùng, dập dịch; xử lý tiêu hủy và hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi nên dịch bệnh được khống chế tại chỗ không lây lan ra diện rộng. 

Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can cho biết: "Khi đàn gà trên 2.600 con mắc bệnh cúm A-H5N6, gia đình đã báo cho chính quyền và cán bộ thú y làm thủ tục tiêu hủy rồi vệ sinh chuồng trại, khử khuẩn. Sau đó vài tháng, gia đình mới nuôi lại nhưng nuôi với số lượng ít để bảo đảm phòng dịch”. 

Để triển khai tốt PCDB đàn vật nuôi, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát, kiểm tra các điểm kinh doanh, giết mổ và chăn nuôi gia súc, gia cầm; kiện toàn Ban Chỉ đạo PCDB trên đàn vật nuôi; xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; tổ chức phun tiêu độc, khử trùng môi trường và tiêm phòng vắc - xin cho đàn gia súc, gia cầm.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra công tác giết mổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y; kiểm soát, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển vào địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Bà Trần Thị Hoàn Liên - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên cho biết: từ đầu năm đến nay, huyện đã thành lập 5 tổ kiểm tra công tác PCDB tại các địa phương. Toàn huyện đã tiêm được gần 2.400 liều vắc - xin viêm da nổi cục. Ngoài ra, người dân đã tự mua vắc - xin về tiêm cho đàn trâu, bò; gần 30.000 liều lở mồm long móng và chủ động giám sát chặt chẽ công tác phòng bệnh tại các cơ sở chăn nuôi được hỗ trợ theo Nghị quyết 69.

Xã Hưng Thịnh hiện có tổng đàn gia súc chính gần 39.400 con; trong đó, 39.000 con lợn; tổng đàn gia cầm 45.000 con, hàng năm cho tổng thu nhập trên 20 tỷ đồng. Thời điểm này, các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã tập trung chăm sóc đàn vật nuôi; chú trọng khâu PCDB để bảo đảm nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm của người dân. 

Nhờ chủ động được nguồn con giống tại chỗ và làm tốt công tác PCDB nên hơn 10 năm qua, gia đình ông Nguyễn Văn Tươm ở thôn Yên Định có cuộc sống khá giả nhờ chăn nuôi lợn. Hiện tại, ông Tươm đang nuôi 200 con lợn thịt, 40 con lợn nái, 3 con lợn đực gây giống và hàng năm từ nuôi lợn mang về cho gia đình ông vài trăm triệu đồng. 

Ông Tươm cho biết: "Muốn chăn nuôi hiệu quả phải áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm đầy đủ các loại vắc - xin phòng bệnh, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng. Đặc biệt, không cho người ngoài đi vào khu vực chăn nuôi và người chăn nuôi trước khi vào chuồng trại phải thay quần áo, đi ủng nhằm tránh lây nhiễm; thức ăn chăn nuôi khi nhập về trước khi cho vào kho phun tiêu độc khử trùng... Do chủ động được nguồn con giống, nên dù hiện nay giá lợn hơi xuống 48.000 - 50.000/kg nhưng gia đình tôi vẫn có lãi và dịp tết này sẽ có 150 con đến kỳ bán”. 

Nhờ làm tốt công tác PCDB và phát triển đàn vật nuôi, nên đến thời điểm này, tổng đàn gia súc chính của huyện Trấn Yên đạt 70.865 con. Trong đó, đàn trâu 4.332 con, bò gần 1.500 con, lợn trên 65.000 con và gia cầm trên 1,7 triệu con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đến 31/10/2021 đạt 11.340 tấn. 

Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 và dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn diễn ra phức tạp, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, chính quyền các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi chủ động các biện pháp PCDB; hướng dẫn người dân chăn nuôi an toàn để bảo đảm cung ứng nguồn thực phẩm tại chỗ phục vụ nhân dân đón tết. Thực hiện tiêm phòng nhằm bảo vệ an toàn cho gia súc, gia cầm khỏe mạnh đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp thực phẩm sạch ra thị trường. 

Với việc tích cực chăm sóc, chủ động kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi của cơ quan chuyên môn và người chăn nuôi, chắc chắn rằng, huyện Trấn Yên không những đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm tại chỗ mà còn xuất bán ra các địa phương khác trong và ngoài tỉnh vào dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.    
                                                  
Hồng Duyên

Tags dịch bệnh vật nuôi Trấn Yên khoa học kỹ thuật gia súc gia cầm Nghị quyết 69

Các tin khác
Một mô hình chăn nuôi đại gia súc ở thôn Bản Phiêng 2, xã Sơn Thịnh tham gia Đề án Phát triển chăn nuôi.

Đánh giá về sản xuất nông nghiệp của huyện Văn Chấn, nhất là sau thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, điểm nổi bật dễ nhận diện, đó là đã tạo sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của người nông dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.

Ngân hàng CSXH huyện Yên Bình chủ động phòng, chống hiệu quả dịch bệnh Covid-19 khi giao dịch lưu động tại các xã, thị trấn.

547,374 tỷ đồng là tổng dư nợ Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Yên Bái giao kế hoạch cho huyện Yên Bình năm 2021, tăng so với năm 2020 là 38,629 tỷ đồng.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh trao Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý sản phẩm chè Shan Phình Hồ cho lãnh đạo huyện Trạm Tấu.

UBND huyện Trạm Tấu phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp vừa tổ chức Hội thảo công bố Quyết định cấp Chỉ dẫn địa lý chè Shan Phình Hồ.

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong 10 tháng năm 2021, huyện Văn Chấn đã kiên cố hóa được 63,8 km; trong đó, có 53,3 km thuộc đề án phát triển giao thông nông thôn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục