Sản lượng thịt hơi xuất chuồng gia súc chính 11 tháng đạt 50.715 tấn/47.600 tấn theo kế hoạch, đạt 106,5% kế hoạch năm 2021. Tuy nhiên, đang có nghịch lý trong nuôi lợn thịt là càng chăn nuôi nhiều, càng lỗ nặng...
Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Đinh Đăng Luận cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc nhập khẩu một số nguyên liệu thức ăn từ nước ngoài về khó khăn dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Mức giá thức ăn tăng từ 70.000 - 80.000 đồng/bao 25 kg, dẫn đến người chăn nuôi không có lãi và bán lợn ồ ạt, giảm đầu đàn dẫn đến giá lợn xuống thấp.
Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều bếp ăn tập thể đóng cửa, người dân giảm thu nhập nên nhu cầu tiêu dùng thịt giảm; việc vận chuyển lợn thịt ra ngoại tỉnh giá cước vận tải tăng cao dẫn đến giảm sự giao thương trên thị trường.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi chưa chủ động được đầu ra cho sản phẩm của mình, chăn nuôi tự phát chưa có kế hoạch cụ thể, bán sản phẩm thịt lợn hơi trực tiếp cho thương lái, thương lái cung cấp cho các cơ sở giết mổ dẫn đến bị thương lái ép giá nên giá lợn hơi thấp nhưng giá thịt ngoài chợ vẫn cao. Số lượng lợn hơi bán ra tại thời điểm đầu tháng 12/2021 rất lớn do người chăn nuôi vào lứa mới phục vụ cho dịp tết Nguyên đán nên giá lợn hơi có chiều hướng giảm.
Giá lợn hơi tại thời điểm này ở mức 48.000-50.000 đồng/kg, so với tháng trước tăng 10.000 đồng/kg, so với cùng kỳ giảm 30.000 đồng/kg. Do vậy, người chăn nuôi tại thời điểm này nuôi nhiều thì càng lỗ nhiều.
Anh Nguyễn Đình Ninh ở phường Nam Cường, thành phố Yên Bái chuyên thu mua, giết mổ gia súc cho biết: "Giá thu mua lợn thịt hôm trước một giá, hôm sau một giá, chẳng biết đâu mà lần. Nghề giết mổ chỉ lãi tính đầu con, mua cao bán cao, còn lãi chính vẫn là khâu bán lẻ ở các chợ, còn người nuôi thì lỗ”.
Theo ông Lê Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình thì từ một địa phương có phong trào chăn nuôi tốt nhất huyện Yên Bình, qua đợt dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng đã phải tiêu hủy 4 chuồng trại với hơn 400 con lợn, các hộ nhỏ lẻ bỏ đàn, nên đàn lợn trong dân giảm rõ rệt. Hiện, toàn xã chỉ còn gần 30 hộ nuôi quy mô 50 con trở lên, các hộ: Lê Hồng Dũng, Ngô Anh Tú, Hoàng Thị Hải, Hoàng Linh, Phùng Thị Miên có đàn lợn từ 100 con trở lên.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có các đơn vị chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn như Công ty TNHH Đầm Mỏ nuôi 200 con lợn nái, 1.200 con lợn thịt; Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Yên Bái quy mô 200 nái, 200 lợn thịt; Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Hòa Yên quy mô 1.164 lợn nái, 6.242 lợn thịt; Công ty cổ phần Thương mại Đông An (nuôi gia công cho Công ty Jafa Comfeed) Phùng Xuân Hà quy mô 1.200 con lợn nái, đực giống và 2.500 con lợn con theo mẹ; Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Thiên Hà quy mô 8.860 con lợn thịt. Đây là những cơ sở chủ yếu xuất bán lợn thịt ra ngoài tỉnh, có tiềm lực tài chính vững, nên ít bị lệ thuộc vào giá thị trường địa phương.
Chi cục trưởng Chi cục Thú Y tỉnh Đàm Duy Đức cho hay: Ngành chăn nuôi tại thời điểm này gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong khi từ đầu năm đến nay, Yên Bái xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi, số lợn mắc bệnh 450 con, số lợn chết và tiêu hủy 450 con, khối lượng 28.565 kg. Đến nay, có 16/16 xã có dịch đã qua 21 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.
Ngay sau khi hết dịch, cán bộ thú y cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện các khâu tiêu độc khử trùng chuồng trại, khi đảm bảo an toàn mới cho tái đàn. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn e dè trong khâu tái đàn do điều kiện phòng chống dịch chưa tốt, các hộ chăn nuôi quy mô trang trại do có điều kiện phòng dịch tốt nên vẫn phát triển chăn nuôi hết công xuất thiết kế.
Đến xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình - nơi có hơn 2.300 hộ nông dân sinh sống, chúng tôi ghi nhận do dịch bệnh kéo dài, đa phần các hộ không còn nuôi lợn nhỏ lẻ, chính quyền khuyến cáo sử dụng giống bản địa tại chỗ, không khuyến khích vào đàn mới.
Ông Ngô Anh Tú ở thôn Trung Nghiêm khi được hỏi về chăn nuôi lợn lắc đầu ngán ngẩm: "Lỗ lắm nhà báo à! Giá thức ăn tăng 400.000 đồng/tạ, giá giống bình quân 1 triệu đồng/con, vắc-xin các loại 500.000 đồng/con, nếu giá bán hơn 50.000 đồng/kg thì mới có lãi”. Ông Tú cũng chia sẻ: "May mà nhờ Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh hỗ trợ mô hình chăn nuôi lợn tập trung nên đàn lợn nái sinh sản 15 con và hơn 100 lợn thịt của gia đình vẫn trụ được, cố cầm cự chờ giá lên”.
Hàng năm, vào dịp tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thịt, trứng tăng cao khoảng từ 10-15%. Với thực tế sản xuất chăn nuôi tại Yên Bái trong năm gần đây và năm 2021, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của người dân và còn dư thừa sản lượng bán ra ngoại tỉnh. Theo tính toán, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại trong tháng 2/2022 dự kiến khoảng 5.000 tấn, dự ước về cơ bản sẽ đảm bảo nhu cầu và dư thừa xuất bán ra ngoại tỉnh khoảng 3.400 tấn. Trong khó khăn, đây là tín hiệu tốt cho người chăn nuôi và thị trường.
Mỹ Sinh