Ngày 10-1, phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước
- cho biết năm nay, tín dụng ngành ngân hàng sẽ tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Vốn ngân hàng được kiểm soát chặt chẽ với những lĩnh vực rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.
Với Vietcombank, ông Tú lưu ý trong định hướng kinh doanh năm 2022, ngân hàng này tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ đạo, dẫn dắt thị trường, tích cực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ.
Đặc biệt là triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay thương mại của các doanh nghiệp trong giai đoạn 2022 - 2023 nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Triển khai thêm gói 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp mà Chính phủ, Quốc hội giao cho ngành ngân hàng triển khai. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện nhanh, đúng chủ trương, quy định.
"Về gói hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Quốc hội sẽ sớm thông qua. Chính phủ sẽ có nghị quyết để triển khai gói cho vay hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo thông tư hướng dẫn", ông Tú nói.
Để hoàn thành nhiệm vụ cơ quan điều hành giao, ông Nguyễn Thanh Tùng - phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành Vietcombank - đề xuất căn cứ hiệu quả hoạt động, năng lực quản trị rủi ro, Ngân hàng Nhà nước nên cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được chủ động về quy mô tăng trưởng tín dụng hằng năm. Năm 2022, Vietcombank phấn đấu tăng trưởng tín dụng 12% so với năm 2021 để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Được biết trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà Chính phủ trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19, như gói hỗ trợ 4% lãi suất cho vay năm 2009.
Theo ý kiến các chuyên gia, gói hỗ trợ này cần sớm được triển khai để hỗ trợ cho những doanh nghiệp thực sự khó khăn nhưng có tiềm năng phục hồi và phát triển. Doanh nghiệp đang khó khăn nay tiếp cận nguồn vốn giá rẻ sẽ có động lực để khôi phục sản xuất.
Như cách đây 2 tháng, báo cáo tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm 20.000 tỉ đồng, thực hiện trong 2 năm (2022 - 2023) là 40.000 tỉ đồng. Nếu hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thì có khoảng 1 triệu tỉ đồng được đưa vào nền kinh tế, sau đó thúc đẩy, tạo việc làm, hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục, phát triển.
(Theo Tin tức)