Câu chuyện thanh toán không dùng tiền mặt tưởng chừng như xa vời nhưng đã thay đổi tất cả khi dịch Covid-19 bùng phát. Theo số liệu của Công ty Điện lực Yên Bái, đến nay tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt toàn Công ty đạt 51,2%; doanh thu tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 85,92%.
Trong khi đó, số lượng khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt 4 tháng trước mới chỉ đạt tỷ lệ 39,28%. Không chỉ tiền điện, thói quen thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến trong giao dịch sinh hoạt hàng ngày.
Anh Hoàng Ngọc Tính, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái cho biết: "Hầu hết các dịch vụ thiết yếu từ hóa đơn thanh toán tiền điện, điện thoại, phí truyền hình đến tiền học phí cho con tôi cũng chuyển khoản. Việc thanh toán quá tiện lợi, không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn hạn chế được việc tiếp xúc, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm Covid-19”.
Anh Nguyễn Mạnh Hà ở tổ 2, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, để tránh tiếp xúc, tôi chủ yếu thanh toán không dùng tiền mặt. Nhà gần điểm bán hàng của Vinmart nên mọi loại nhu yếu phẩm mua tại đây thì quẹt thẻ. Còn lại tất cả hàng hóa cho gia đình đều dùng các ứng dụng trên điện thoại thông minh từ đặt hàng đến thanh toán. Đặt hàng online, thanh toán điện tử vừa tiết kiệm thời gian, lại tránh được sự lây lan dịch bệnh”.
Có thể thấy, dịch Covid-19 đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng đáng kể. Việc hạn chế tiếp xúc đã đưa nhiều người dân hướng đến mua sắm online, thanh toán điện tử. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cũng tạo nên cuộc đua hấp dẫn của các tổ chức tín dụng trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật.
Các chi nhánh ngân hàng đã ứng dụng nhiều công nghệ vào hoạt động nghiệp vụ để đưa ra các sản phẩm dịch vụ hiện đại, thân thiện, tiện lợi mang lại lợi ích cho khách hàng như eKYC, QRCode..., từng bước xây dựng hạ tầng số tập trung và chuẩn hoá; đẩy mạnh thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như: thuế, điện nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh.
Bên cạnh đầu tư hạ tầng công nghệ, chính sách giảm phí cũng là "cú huých” thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Thời gian qua, Agribank đang là một trong các ngân hàng thực hiện hỗ trợ lãi, phí nhiều nhất cho khách hàng. Cùng với việc triển khai chính sách miễn phí chuyển tiền trong nước, Agribank áp dụng đồng loạt toàn hệ thống trên toàn quốc và các kênh ngân hàng điện tử.
Cùng với đó, Agribank cũng đẩy mạnh triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới với hàm lượng công nghệ cao, các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, mở tài khoản trực tuyến trên ứng dụng E-Mobile Banking, tạo điều kiện cho khách hàng giao dịch thuận tiện trong điều kiện hạn chế tiếp xúc trực tiếp để phòng, chống dịch.
Nhiều tổ chức tín dụng khác cũng có thêm các chính sách miễn, giảm phí chuyển tiền qua các kênh điện tử, miễn phí chuyển khoản cho khách hàng. Trong đó phải kể đến BIDV, từ ngày 01/01/2022, BIDV thực hiện miễn toàn bộ phí giao dịch trên kênh số và tặng thêm gần 65 tỷ đồng ưu đãi cho các khách hàng đăng ký, sử dụng BIDV SmartBanking.
Theo đó, khách hàng cá nhân được miễn toàn bộ các loại phí khi giao dịch trên BIDV SmartBanking, bao gồm không phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, không phí duy trì dịch vụ, không phí quản lý tài khoản, không phí tin nhắn OTT. Ngoài ra, BIDV còn thực hiện miễn phí trọn đời cho khách hàng khi phát hành thẻ phi vật lý trên BIDV SmartBanking, bao gồm phí phát hành thẻ và phí thường niên. Với chính sách miễn phí hoàn toàn cho khách hàng giao dịch trên kênh số, BIDV một lần nữa khẳng định vị thế của Ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam trong việc đồng hành cùng khách hàng để thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả chủ trương "thanh toán không dùng tiền mặt”; hỗ trợ tăng cường phòng, chống và đẩy lùi đại dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Với sự an toàn, tiết kiệm thời gian, giảm được nhiều rủi ro so với thanh toán bằng tiền mặt đã khiến các kênh thanh toán điện tử được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài, để thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả thì việc mua sắm online sẽ tiếp tục được duy trì và ngày càng phổ biến hơn. Vì vậy, việc người tiêu dùng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái, trong năm 2021, trên địa bàn có sự tăng trưởng mạnh mẽ về việc sử dụng phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động. Tuy giảm số lượng giao dịch trên máy ATM và Internet Banking nhưng giá trị giao dịch trên tất cả các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đều tăng cao. Cụ thể, số lượt giao dịch qua điện thoại di động đạt 11.000.000 lượt, tăng 65,48%; giá trị giao dịch đạt 65.000 tỷ đồng, tăng 121,2% so với năm 2020; số giao dịch qua máy ATM đạt 3.000.000 lượt, giảm 16,2% so với năm 2020; giá trị giao dịch là 6.500 tỷ đồng, tăng 65,4%; tổng số giao dịch thanh toán qua Internet là 660.000 lượt, giảm 44,2% so với năm 2020; giá trị giao dịch đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 7,7%; tổng số giao dịch thanh toán qua POS, QRCode là 101.000 lượt, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020.
|
Văn Thông