Những năm gần đây, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự năng động của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ phát triển, việc đa dạng hóa các mô hình kinh tế đã giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo.
Với lợi thế địa bàn rộng, nhiều đất đai, khí hậu phù hợp cho trồng phát triển cây sơn tra, những năm qua, nhân dân Lao Chải đã tích cực chăm sóc, bảo vệ diện tích sơn tra đã có và trồng mới. Hiện, toàn xã có trên 400 ha sơn tra; trong đó, gần 250 ha đã cho thu quả và tập trung nhiều ở bản Háng Gàng. Nhiều hộ đã có cuộc sống khá lên nhờ trồng, chăm sóc loại cây này.
Điển hình như hộ ông Sùng A Sàng ở bản Háng Gàng, sau hơn 20 năm trồng sơn tra đến nay đã có trên 10 ha. Những năm trước đây, khi sơn tra được giá, mỗi năm gia đình ông thu trên 400 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng...
Ngoài cây sơn tra, người dân trong xã còn tích cực trồng cây dược liệu. Trong đó, tận dụng các diện tích đất ẩm, màu mỡ dưới tán rừng, nhân dân trồng được trên 170 ha thảo quả và hơn chục ha cây sa nhân. Hiện, xã đã có gần chục hộ khá lên nhờ cây thảo quả.
Ông Giàng A Lử - Chủ tịch UBND xã Lao Chải cho biết: "Là xã có địa bàn rộng với 14 bản, 1.668 hộ, trên 9.230 khẩu, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế nên ngoài phát triển cây trồng lâu năm, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào phát triển cây trồng ngắn ngày, chăn nuôi... từng bước nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế để cải thiện đời sống”.
Hàng năm, xã Lao Chải còn tích cực đưa các giống lúa, ngô lai mới vào gieo cấy được 988 ha lúa cả năm với 300 ha là lúa vụ xuân; trồng 1.005 ha ngô cả năm với hơn 900 ha là ngô xuân hè, đã góp phần quan trọng nâng tổng sản lượng lương thực có hạt của xã năm 2021 lên 8.035 tấn.
Có nguồn lương thực dồi dào, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được quan tâm phát triển mạnh theo hướng hàng hóa. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND củaHĐND tỉnh, cấp ủy, chính quyền xã Lao Chải đã chủ động triển khai, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng tới các bản và người dân, nhất là các hộ chăn nuôi để nhân dân nắm được chính sách, chủ động đăng ký tham gia.
Theo đó, xã đã có 28 hộ đăng ký thực hiện với 16 hộ tham gia mô hình chăn nuôi trâu, bò từ 10 con trở lên/mô hình và 12 hộ đăng ký tham gia mô hình chăn nuôi lợn với quy mô 3 lợn nái và từ 20 lợn thịt trở lên/mô hình đến nay đã hoàn thành được nghiệm thu.
Ông Giàng A Lu, bản Xéo Dì Hồ B cho biết: "Năm 2020, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền xã cùng với số vốn của gia đình, tôi đã vay thêm vốn ngân hàng đầu tư làm chuồng trại, trồng cỏ và mua thêm trâu, bò giống về nuôi. Hiện, gia đình tôi trồng được 3 ha cỏ voi đảm bảo thức ăn cho đàn gia súc 23 con, gồm 15 con bò, 8 con trâu. Đất trồng cỏ vẫn còn rộng, nên tôi dự tính năm nay khi đàn vật nuôi được xuất bán, có vốn sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại để nâng đàn lên gấp đôi”.
Để phát triển chăn nuôi mang lại hiệu quả cao, ngoài hỗ trợ nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, xã đã phối hợp với các ngành tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và tiêm phòng theo định kỳ cho đàn đại gia súc. Hiện, Lao Chải đang duy trì tổng đàn gia súc chính trên 10.920 con, với 3.022 con trâu, bò, 7.899 con lợn, dê và đàn gia cầm trên 34.650 con mang lại nguồn thu không nhỏ cho nhân dân.
Nhờ đa dạng hóa các mô hình kinh tế, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng dần theo từng năm. Riêng năm 2021, xã đã giảm được 110 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều mới giảm xuống còn 30,03% năm 2021, hộ khá, giàu cũng tăng lên nhiều, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước nâng lên trông thấy.
A Mua