Chính phủ quyết liệt triển khai gói hỗ trợ kinh tế
Công điện đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành mới đây đã giao nhiệm vụ cụ thể tới từng bộ, ngành và các địa phương với mốc thời gian cụ thể ngay trong quý 1.
Từ đó, Bộ kế hoạch và Đầu tư đã có ngay văn bản hướng dẫn các bộ ngành và địa phương rà soát các danh mục của dự án, đề xuất mức vốn cụ thể để giao cho dự toán năm 2022, bố trí thực hiện giải ngân bổ sung. Còn Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị gắn với thời gian cụ thể. Theo thống kê, hiện có 18 nhiệm vụ Bộ Tài chính chủ trì, còn 13 nhiệm vụ Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phục hồi kinh tế - xã hội. Đại diện Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, tất cả mọi nguồn lực đều đã sẵn sàng.
Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách, Bộ Tài chính, cho biết: "Chúng tôi đảm bảo sẵn sàng nguồn lực đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho chương trình và các nhu cầu chi khác của ngân sách nhà nước, đảm bảo không ảnh hưởng tính thanh khoản của kho bạc Nhà nước trong mọi tình huống".
Kỳ vọng gói cấp bù lãi suất 2%/năm sớm đi vào thực tiễn
Về phía Ngân hàng Nhà nước, dự kiến trong vài ngày tới cũng sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến về Gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh, với tổng quy mô khoảng 40.000 tỷ đồng. Đây là một trong những nội dung hỗ trợ mà doanh nghiệp và cả các ngân hàng thương mại đều đang mong chờ hướng dẫn chi tiết.
Gói hỗ trợ dự kiến sẽ thực hiện trong 2 năm, ước tính sẽ có khoảng 1 triệu tỷ đồng vốn cho vay được bơm ra nền kinh tế. Để nguồn vốn này tạo ra đà phục hồi, cần phải sớm được khởi động. Giờ đã gần hết 2 tháng đầu năm, nếu quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn tiếp tục mất thêm vài tháng thì đã gần hết nửa năm tài chính của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch HĐQT Giovanni Group, chia sẻ: "Sau gần 2 năm COVID-19 rất khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp mong gói hỗ trợ phải rất nhanh, nếu không sẽ lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế khi kinh tế thế giới phục hồi trước chúng ta".
Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng cơ quan quản lý sẽ đưa ra tiêu chí rõ ràng, minh bạch về đối tượng được hưởng lãi suất, và phương thức tính mức giảm lãi của ngân hàng bởi không ít doanh nghiệp lo ngại, gói cấp bù 2% sẽ bị trục lợi, biến tướng giống như cách khuyến mãi thổi giá lên rồi giảm giá xuống của các hãng bán lẻ.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch CLB nông nghiệp công nghệ cao, Hội Doanh nghiệp Trẻ Việt Nam, nhận định: "Chính sách chung của Chính phủ là thấp hơn 2% so với lãi suất thông thường, nhưng xu thế chung hiện nay là các NHTM đang tăng lãi suất nên nếu tăng rồi giảm 2% thì cũng k có nghĩa lý gì. quan trọng hơn là làm nông nghiệp cần có lãi suất ổn định".
Ông Hoàng Văn Cường, đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, chia sẻ: "Chúng ta phải kiểm soát theo dòng tiền. Các hoạt động thanh toán đó nếu thông qua ngân hàng thì đều kiểm soát được việc chi vào đâu, đúng mục đích không và khi nào dòng tiền quay trở lại thì sẽ hoàn trả ngân hàng thì sẽ không lo doanh nghiệp có cần tài sản đảm bảo hay không và cũng không lo ngân hàng không quản lý được đồng vốn".
Hiện Ngân hàng nhà nước cũng đang xây dựng Nghị định hướng dẫn. Dự kiến, gói cấp bù sẽ được cho vay thông qua cả các ngân hàng thương mại tư nhân, chứ không chỉ gói gọn ở 4 ngân hàng có vốn nhà nước lớn.
Điều chỉnh cơ chế, chính sách để thúc đẩy giải ngân cho dự án giao thông trọng điểm
Liên quan tới giải ngân đầu tư công, giai đoạn 2 của cao tốc Bắc - Nam vừa được Chính phủ chấp thuận thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. Nhiều cơ chế đặc thù khác cũng đã được Quốc hội thông qua trước đó nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, như phân cấp cho địa phương làm chủ đầu tư 1 số dự án giao thông, hay phân quyền cho địa phương tự cấp phép khai thác các mỏ nguyên vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, từ góc độ các nhà thầu xây dựng, để thực hiện nhiệm vụ này một cách hiệu quả, vẫn cần hơn những cơ chế để thu hút các doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy thi công và giải ngân vốn.
Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, định mức dự toán quy định tại Nghị định 68 hiện đã lỗi thời vì đã có nhiều công nghệ mới được đưa vào sử dụng, năng suất lao động cũng không còn phù hợp. Có những định mức thấp hơn đến 30-40% so với thực tế, khiến các nhà thầu rất bị động và e dè bước chân vào các dự án giao thông.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho biết: "Hiện nay trong việc sử dụng định mức đối với các nhà thầu rất khó khăn. Các nhà thầu đang tham gia kiến nghị những giải pháp cụ thể về vấn đề định mức để các cơ quan quản lý trực tiếp là Bộ Xây dựng có thể giúp Nhà nước có những sửa đổi phù hợp bởi vì chúng ta sẽ còn làm các công trình trọng điểm quốc gia mà nếu với cơ chế hệ thống định mức này thì tôi e rằng các nhà thầu đều không làm được bởi vì thậm chí có những nhà thầu trông thấy định mức ấy đã phải rút lui bởi vì chưa làm đã thấy lỗ, những cái như thế nó sẽ tiêu huỷ khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp".
Liên quan đến các mỏ vật liệu đất, đá, sỏi…, thời gian qua, một só địa phương còn chậm trễ trong việc cấp phép. Nhiều nhà thầu phải đi rất xa mới tìm được nguồn vật liệu cho dự án. Chưa kể, giá mỗi nơi một kiểu. Do vậy, hiệp hội nhà thầu kiến nghị, khi triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Nhà nước cần có cơ chế giao thầu theo cụm gồm cả công trình và mỏ vật liệu đi kèm.
Ngoài ra, mỗi địa phương hiện đang quy định chỉ số giá vật liệu xây dựng khác nhau. Trong khi đó, các dự án giao thông trọng điểm thường đi qua nhiều tỉnh thành. Do vậy, một cơ chế thống nhất về chỉ số giá là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Khắc Mẫn, Đại diện Ban quản lý dự án 1, Tổng công ty Vinaconex, nói: "Vật liệu tỉnh khi ban hành chỉ cho các công trình thông thường thôi, còn đây là công trình yêu cầu chất lượng rất cao do đó chỉ số giá của các tỉnh ban hành ra có thể không phù hợp và không theo kịp với giá tăng của thị trường. Do đó, đề nghị Chính phủ xem xét có giải pháp làm sao ban hành một chỉ số giá áp dụng chung hoặc phương pháp điều chỉnh giá chung cho các dự án trọng điểm như thế này".
Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ sử dụng gần 147.000 tỷ đồng vốn ngân sách. Để giải quyết nút thắt về giải phóng mặt bằng thường mất rất nhiều thời gian, Bộ GTVT mới đây đã đề nghị các địa phương đảm bảo bàn giao 70% mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 31/12 năm nay và hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong quý II sang năm.
Trong bối cảnh toàn thế giới đều đang trên đà phục hồi kinh tế, mỗi bước thực thi chính sách chậm hơn rất có thể sẽ khiến chúng ta lỡ nhịp tăng trưởng so với các nền kinh tế khác. Với khung cơ chế đặc thù, vẫn cần đòi hỏi nhiều hơn những cách làm sáng tạo, đột phá để hiện thực hoá và tối ưu nguồn lực ngân sách.
Ông Hoàng Văn Cường, đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội nhận định: "Quan trọng nhất là chính phủ phải quy trách nhiệm cho mỗi cấp bộ, ngành, có lộ trình, có khung thời gian, và có kết quả bằng sản phẩm đầu ra, chuyển sang phương thức đấnh giá hiệu quả quản lý bằng đánh giá kết quả đầu ra, thông qua đo lường sự hài lòng người dân và doanh nghiệp".
Song song với gói hỗ trợ, cộng điện của Thủ tướng cũng đã nêu rõ: Cần phải chủ động rà soát, tháo gỡ các vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây cũng sẽ là chất xúc tác cần thiết để gia tốc cho quá trình thực thi chính sách hỗ trợ.
(Theo VTV)